4 chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội đóng cửa khiến giá các loại thực phẩm rau, thịt cá có chiều hướng tăng nhẹ

Nhiều chợ đầu mối đóng cửa, các tiểu thương không có mối quen nên giá sẽ không còn được tốt như trước. Giá nhập vào cao nên giá bán ra cũng phải cao hơn.

 

Giá thực phẩm ở các chợ dân sinh Hà Nội tăng

Khảo sát ở các chợ dân sinh Hà Nội, rau muống từ 5.000 đồng/bó tăng lên 8.000 - 10.000 đồng/bó, rau cải từ 4.000 đồng/bó tăng 7.000 đồng/bó, mồng tơi từ 5.000 đồng/bó tăng lên 7.000 đồng/bó.

Thịt lợn ba chỉ, nạc vai từ 130.000 đồng/kg tăng lên 160.000 đồng/kg (tăng hơn 20%), cánh gà công nghiệp từ 80.000 đồng/kg tăng lên 110.000 đồng/kg (tăng 37%). Mực tươi từ 210.000 đồng/kg, lên 230.000 đồng/kg (tăng hơn 9%). Tôm tươi tăng so với trước đây khoảng 30.000 đồng/kg.

Nhiều mặt hàng hoa quả cũng tăng so với trước đây từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Trong đó, dứa (thơm) ghi nhận mức tăng kỷ lục từ 10.000 đồng/quả lên tới 25.000 đồng/quả. Theo lý giải, dứa tăng mạnh là do bước vào cuối vụ nên khan hiếm hàng, hơn nữa nguồn nhập ở các chợ đầu mối cũng khó khăn hơn.

Còn giá trứng gà vẫn "nhảy múa", có chợ bán với giá 4.300 - 4.500 đồng/quả, có nơi đẩy lên tới 5.500 - 6.000 đồng/quả.

Ở siêu thị, trứng gà ta có giá dao động 4.800 - 5.500 đồng/quả, trứng gà công nghiệp 2.800 - 3.300 đồng/quả. Rau muống có giá 15.000 - 38.000 đồng/kg, bắp cải từ 17.000 - 19.000 đồng/kg, rau cải ngọt được bán với giá 18.000 - 30.000 đồng/kg, thịt heo xay từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, thịt bò xay từ 210.000 - 220.000 đồng/kg.

4 chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội đóng cửa khiến giá các loại thực phẩm rau, thịt cá có chiều hướng tăng nhẹ

Nguyên nhân chính từ việc 4 chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội đóng cửa

Nhiều chợ đầu mối lớn ở Hà Nội trong đó có 4 khu chợ lớn nhất Hà Nội là chợ đầu mối Minh Khai, chợ Phùng Khoang, chợ Long Biên, chợ đầu mối phía Nam đều đã đóng cửa vì phát hiện các ca nhiễm Covid-19.

Chị K.H, tiểu thương ở chợ 337 (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi chợ đầu mối Long Biên đóng cửa, giá các mặt hàng thực phẩm đều tăng. Các tiểu thương phải tìm nguồn hàng mới để bán cho khách.

"Chúng tôi đang phải đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất là việc nhập hàng khó khăn hơn trước do nhiều vùng cung ứng nằm trong vùng dịch.Thứ hai là chợ đầu mối đóng cửa, chúng tôi phải tìm nguồn hàng mới. Nếu không quen biết, giá sẽ không còn được tốt như trước. Giá nhập vào cao nên giá bán ra cũng phải cao", chị nói.

Chị K.H cho biết, sáng nay, chị phải đi lấy hàng từ sáng sớm, nhưng nhiều mặt hàng không có, số khác thì tăng giá cao nên chị từ chối lấy.

Các chợ tiểu thương ở khu vực chợ dân sinh quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông giải thích giá rau gần đây tăng mạnh do một số chợ đầu mối đang bị đóng cửa, việc đi lại, nhập hàng cũng hạn chế hơn trước.

4 chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội đóng cửa khiến giá các loại thực phẩm rau, thịt cá có chiều hướng tăng nhẹ

Tăng cường nơi trung chuyển hàng hoá

Để nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy, làm giá cả tăng lên thì Sở Công thương Hà Nội đang làm mọi biện pháp khắc phục. Cụ thể:

- Tìm các nơi đất trống, bến xe dừng hoạt động, sân vận động hay các chợ chưa hoạt động hết công suất… tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội để làm nơi trung chuyển hàng hoá. Mục đích giúp giãn cách cho các chợ đầu mối đang tạm đóng.

- Phương án nữa là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.

 

Theo xahoi.com.vn

4 chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội đóng cửa khiến giá các loại thực phẩm rau, thịt cá có chiều hướng tăng nhẹ - Thị Trường