Làng thổi thủy tinh

Con đê trài chãi ngăn sông với làng, những bến đò bên sông vẫn đẹp như mơ và mát rượi.

 

Làng thổi thủy tinh

Con đê trài chãi ngăn sông với làng, những bến đò bên sông vẫn đẹp như mơ và mát rượi. Những bụi tre dưới chân đê và ngay cả tên những bến đò cùng những nghi thức của lễ hội xuân của những làng xã ven đê cho người làng niềm tự hào khiến khách vãng lai phải cảm thán rằng “làng đẹp như cổ tích”.

Một trong những làng bên sông ấy là làng Hoàng Xá, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Làng nhỏ không thuần nông mà có nghề thổi thủy tinh. Thổi thủy tinh bằng miệng thành phẩm có bọt như xưa hay trong vắt theo yêu cầu của khách hàng hôm nay, sản phẩm nhỏ như cái “tăm phong đèn”, cái “cóng” cho chim cảnh ăn, hay to hơn như cái chao đèn, cái bình hoa thì cũng vẫn được thổi theo đúng nghĩa của nó đều được thổi thủ công. Thổi bằng hơi của những người làm nghề, những người thợ trong làng. 

Cho dẫu những thịnh suy của nghề đã và đang trải qua thì những xưởng lớn nhỏ trong làng bễ vẫn nổi lửa, có những người thợ vẫn đau đáu với nghề với tình cảm đặc biệt “nghề chọn người”, “ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”. Một nghề đặc biệt, sản phẩm ra đời trong một khoảnh khắc với sự kết hợp hài hòa, trọn vẹn của khối óc, bàn tay và hơi thở. Một nghề mà người ngoài nhìn vào sẽ “hốt hoảng” vì tay người thợ kia đang cầm vào thủy tinh nóng chảy loãng như nước và người thợ đã “sai khiến” được chất lỏng ấy bằng cách của “phù thủy”. 

Hiện giờ ở làng Hoàng Xá nghề không còn thịnh như xưa, dân làng cũng đã có nghề khác để mưu sinh cùng với canh nông, nhưng tiếng tăm của nghề này vẫn còn, vẫn còn đơn hàng đặt đi xa - gần và thế là “bễ” của những người thợ bám trụ với nghề vẫn được nhen nhóm. Một trong số những người bám nghề phải nói là kiên cường là anh Đặng Văn Thọ, người làng Hoàng Xá.

Từ khoảng 70 năm về trước nghề thổi thủy tinh về đến cái làng nhỏ bên sông Hồng này, người trong làng làm, bố của anh Thọ cũng làm. Khoảng hơn 10 tuổi cậu bé Thọ biết nghề như lẽ đương nhiên. Nghe lỏm chuyện người lớn, mơ về những pha lê của người Tây nhưng cậu Thọ vẫn mải chơi khăng, chơi bi cùng chúng bạn mà bỏ việc nhà.

“Bi ve ngãnh khế”  về tay đám trẻ con nhà quê như thể điều kì diệu, còn thủy tinh Hoàng Xá ngày ấy vẫn đầy bọt, xấu và thô kệch. Cái đèn dầu chân cập kênh, cái cốc méo mó, cái “tăm phong đèn” (bóng đèn) thắp lên tù mù. Nhưng khách xa gần vẫn về cất buôn đi mọi chợ, còn theo đường sông đi rất xa theo cánh cất buôn đến những miền đất mà người làng cũng chưa từng đến. Bao năm có nghề người làng không đói. Thủy tinh Hoàng Xá có tiếng từ đó, góp mặt cho đất trăm nghề Hà Tây.

Khi nghề thịnh, cả làng làm nghề. Bễ nhà ai cũng đỏ lửa, thổi ra tiền. Người làng nói thế, người trong vùng cũng đều nói thế, đúng quá!

Xã hội phát triển, điện về sáng khắp xóm thôn, “tăm phong đèn’’ và đèn dầu ế là đương nhiên. Cùng với đó, cơ chế thị trường đưa hàng cùng chủng loại nhập khẩu từ nhiều nguồn về đến chợ làng vừa rẻ vừa phong phú chủng loại hơn nhiều, làng nghề lao đao, người làm nghề phải tính việc khác là lẽ đương nhiên. Nhưng ai đã từng làm nghề thì vẫn nhớ, ơn nghề mà gia đình cũng đã xây được nhà gạch, nuôi được con cái khôn lớn. Hàng hóa cạnh tranh, tay mình thua sản phẩm công nghệ cao nên đành chịu chứ nếu còn đơn, còn việc thì bố con, anh em trong nhà, trong họ vẫn còn bảo được nhau làm nghề.

 Tính thế, nhưng rồi hàng nhập khẩu ùn ùn chiếm thị trường vô cùng bắt mắt. Nghề suy chỉ còn vài xưởng trụ lại. Thọ vẫn nhớ những viên bi lấp lánh. Anh giữ những xưa cũ và quyết tâm giữ nghề. Anh bền bỉ, kiên trì, ngay cả khi không có đơn đặt hàng thì cũng bệt bễ làm cho đỡ nhớ, thổi những sản phẩm mình thích. Anh nghĩ còn ruộng, không chết đói được, nên canh nông sẽ nuôi nghề lúc khốn khó này và cái tăm phong đèn còn cần, thì thổi còn ra tiền lẻ.

Thọ thổi. Đã mấy lần thay bễ. Thọ thổi các thể loại hàng đặt. Từ những cái ống nghiệm dụng cụ y tế cho đến những vật dụng trang trí nội thất. Từ cái bóng đèn nhỏ cho đến cái bóng đèn bão, lọ hoa. Cũng có khi Thọ thổi theo ý nghĩ, sở thích của mình, thổi cho đỡ nhớ tiếng lửa reo bễ...

Chẳng có nghề nào kì lạ thế này. Khi nhiệt độ cả 1000 đến 1200 độ, thủy tinh lỏng, bị bàn tay, hơi thở và sự sáng tạo của chủ nhân sai khiến trở nên ngoan ngoãn vô cùng. Chỉ sau khoảnh khắc hơi thở điều tiết ấy, thủy tinh mang diện mạo, mang hồn vía. Thọ làm được và thành công. Làng nghề còn là bởi người như Thọ, thủy tinh handmade chưa hết sóng gió, nhưng có chỗ đứng. Làng nghề chưa bao giờ chết.

Thọ hiểu giản dị, giời không phụ người, nghề không phụ người. Thọ làm nghề mưu sinh, đủ trang trải, cùng vợ  nuôi 5 con trai.

Thọ hoàn thiện được đơn hàng cho khách, Thọ biến ước mơ của họ thành hiện thực. Thọ góp phần để công trình hoàn hảo. Thọ làm hiện diện một vật dụng để mắt người chạm đến, tâm hồn bỗng mênh mang.

Làng thổi thủy tinh

Anh Đặng Văn Thọ - người kiên trì, bền bỉ giữ nghề thổi thủy tinh.

Làng nghề thịnh suy đi qua mấy thế hệ. Mấy ai nghĩ, có ngày cái bọt thô, lỗi kia lại được chào đón. Cái bóng đèn trang trí mỏng dính, hình bất kỳ không phải nhập khẩu mà xuất phát từ bễ, từ lò, từ hơi thở mạnh nhẹ của Thọ thổi thủy tinh - Hoàng Xá.

Xứ Việt, văn hiến, văn vật từ cội nguồn rồng tiên bao giờ mạch nguồn làng xã cũng vô cùng quan trọng. Cho đến bây giờ cũng luôn được người làng bồi đắp. Thọ thổi thủy tinh cũng là một người làng nghề có đầy đủ những phẩm chất đáng quý cần cù sáng tạo, giữ nghề... góp phần làm nên tên xã, tên làng góp phần làm nên bản sắc quê hương. 

 

Theo Nguồn nguoihanoi.com.vn

Làng thổi thủy tinh - Giải Trí