Yêu cầu biển hiệu ghi chữ Việt, Bộ dùng từ ‘mini’, ‘outlet’ đâu phải tiếng nước mình

Dự thảo Thông tư yêu cầu Biển hiệu các loại hình thương mại phải ghi bằng tiếng Việt Nam là siêu thị, trung tâm thuơng mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet. Nhưng “Outlet” lại không phải là tiếng Việt Nam, ghi thế có vi phạm không?

Để phục vụ mục tiêu quản lý của mình, Nhà nước thường ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu các tổ chức cá nhân phải tuân thủ. Tuy vậy vẫn còn không ít những văn bản được soạn thảo với chất lượng chưa cao hoặc có những quy định tạo quyền lực cho những cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước đồng thời gây khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc muốn tuân thủ và thực thi triệt để. Thậm chí phát biểu của cơ quan ban hành còn cho rằng không bắt buộc phải thực thi.

Yêu cầu biển hiệu ghi chữ Việt, Bộ dùng từ ‘mini’, ‘outlet’ đâu phải tiếng nước mình

Dự thảo về phân loại hạ tầng thương mại nên được xây dựng dưới hình thức văn bản về tiêu chuẩn, quy chuẩn hơn là quy định một thông tư.

“Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại” đang lấy ý kiến trên cổng thông tin của Bộ Công Thương là điển hình tôi muốn nhắc đến. 

Văn bản này tồn tại rất nhiều câu chữ chung chung, có nhiều quy định không mang tính khả thi, nhiều từ không rõ nghĩa, không thỏa mãn nhiều quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 8 điều 4 như sau: Thông tư là một dạng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trường, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ hay do các cơ quan cấp bộ ban hành. Trong đó, văn bản quy phạm pháp luật bao giờ cũng chứa các “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.” Luật này cũng quy định tại khoản 4 điều 5 Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải “Bảo đảm tính khả thi” trong các văn bản quy phạm pháp luật nói chung. 

Tại khoản 6 điều 5 Dự thảo Thông tư này quy định về cửa hàng tiện lợi như sau: “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m”. Chỉ trong một khoản với 16 chữ nhưng khi đọc lên sẽ vô cùng khó hiểu chứ chưa nói đến khả năng thực thi. Bản chất từ “Chủ yếu” đã là một khái niệm không thể định nghĩa trong đời sống hàng ngày. Nó có nhiều cách hiểu khác nhau cũng như không thể lượng hóa được. 

Quy định này sẽ cho phép những cơ quan thực thi tùy nghi giải thích quy định xem thế nào là chủ yếu. Thêm nữa phần đối tượng phục vụ phạm vi bán kính dưới 500m lại không thể thực hiện được vì không biết khoảng cách này tính từ đâu? Từ nơi cư trú, theo hộ khẩu thường trú và bằng cách nào để người bán hàng kiểm soát khách hàng của mình? Liệu người mua hàng có cần trình giấy tờ tùy thân xác định nơi cư trú hay không?

Ngoài ra, điều 7 dự thảo thông tư này quy định về biển hiệu và tên gọi nêu rõ biển hiệu “phải ghi bằng tiếng Việt Nam là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet (cách gọi các cửa hàng chuyên bán hàng tồn kho, lỗi mốt...)”. Dự thảo thông tư không ít lần nêu rõ các từ “Outlet”, "mini" trong văn bản và vấn đề đặt ra ở đây là những từ như  “Outlet” hay “mini” trong cách gọi “siêu thị mini” lại không phải là tiếng Việt Nam. Vậy nếu để chữ Outlet hay Mini trên biển hiệu có vi phạm thông tư này hay không?

Sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý về các quy định trong thông tư này thì Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết không cấm cửa hàng tiện lợi bán cho khách ngoài phạm vi 500m mà chỉ muốn "thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng". 

Theo Nguồn vietbao.vn

Yêu cầu biển hiệu ghi chữ Việt, Bộ dùng từ ‘mini’, ‘outlet’ đâu phải tiếng nước mình - Tiêu Dùng