Phạm Thế Duyệt (30 tuổi) ở Thường Tín, Hà Nội được nhiều người trong giới trà biết đến là một chàng trai trẻ tuổi nhưng đã có tới hơn 7 năm gắn bó với sản phẩm trà Shan Tuyết cổ thụ.
Khi còn đang là sinh viên, trong một lần tình cờ được thưởng thức ngụm trà Shan Tuyết ở Hà Giang, anh Duyệt liền đem lòng say mê, yêu thích hương vị trà cổ được chế biến theo phương pháp thủ công của người Dao. Anh ấp ủ ước mơ sau này ra trường sẽ đi làm trà.
Nói là làm, tốt nghiệp đại học, Duyệt lên Hà Giang bắt đầu hành trình gắn bó với trà. Những ngày đầu, chàng trai được anh rể dẫn đến những vùng trà cổ thụ ở Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Đồng Văn của Hà Giang để tìm hiểu về trà Shan Tuyết.
"Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy những cây trà cổ thụ với đường kính thân cây một người không thể ôm hết, tôi vô cùng bất ngờ. Từ đó, tôi quyết định đi vào bản cùng bà con dân tộc để học cách làm, chế biến, bảo quản các loại trà cổ truyền như trà ống lam, trà xanh, bánh trà…", anh Duyệt nhớ lại.
Phạm Thế Duyệt quyết định cất bằng kỹ sư, bén duyên với trà sau một lần được nếm thử trà Shan Tuyết Hà Giang.
Quyết định chuyển hướng nghề nghiệp đã đưa cuộc đời anh Duyệt bước sang một trang mới. Dù bị mẹ ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi. Những lần sau đó, Duyệt một mình đi vào bản, trải nghiệm tất cả các công đoạn làm trà. Trà thường được sao vào ban đêm, nên gần sáng anh mới từ bản về nhà.
Sau 3 năm làm trà, anh Duyệt trở về quê tìm hướng đi mới cho riêng mình, vừa giữ được nét truyền thống nhưng phải có sự khác biệt không lẫn với ai. Sau nhiều lần nghiên cứu, anh quyết định đem một loại trà được mệnh danh là sản vật của núi rừng kết hợp với hương của Quốc hoa Việt Nam, Trà ướp hoa tuy không mới nhưng nó là cả một "tác phẩm nghệ thuật" lôi cuốn anh Duyệt say mê đến lạ thường.
Người thân trong gia đình hỗ trợ anh Duyệt tách gạo từ hoa sen để ướp trà.
Duyệt chia sẻ: "Tôi thích những thứ thiên về tự nhiên, đặc biệt là nét đẹp của làng quê nông thôn. Thường Tín quê tôi có rất nhiều đầm sen lớn, sen còn là Quốc hoa của Việt Nam, vì vậy, tôi đem kết hợp với trà truyền thống Shan Tuyết sẽ cho ra một hương vị chỉ ở nước ta mới có. Hơn nữa, việc này sẽ góp phần gìn giữ lại văn hóa, nâng tầm chất lượng sản phẩm trà Việt Nam ".
Năm 2018 bắt đầu làm trà hoa, anh Duyệt gặp rất nhiều khó khăn và thất bại bởi thiếu kinh nghiệm trong việc chọn sen, chọn trà, cách ướp và sấy trà.
Bởi theo anh, trà Shan Tuyết có cánh to nên khó "ăn hương", chúng "ngốn" nhiều gạo sen hơn các loại trà khác. Để làm ra một ấm trà ngon đúng chất trà sen với loại trà Shan Tuyết cổ thụ cần phải thông hương (trộn lại trà và gạo sen) nhiều để giảm bớt độ ẩm giúp trà không bị ủng.
Sau nhiều lần thất bại, anh đúc rút được kinh nghiệm, đầu tiên phải chọn được sen hồng bách diệp, nếu chọn được sen Hồ Tây là tốt nhất bởi hoa to và thơm.
Sen phải hái từ sáng sớm trong khoảng từ 4giờ30 - 6giờ30, sau đó tách cánh để lấy gạo ướp trà.
Cứ một lượt trà đến một lượt gạo sen sao cho đều nhau để hương tỏa được đều. Sau đó mình sẽ ủ trà gần 2 ngày, rồi mang cả trà và gạo mang đi sấy. Anh Duyệt cũng cho biết thêm, để làm ra 1 kg trà sen loại hảo hạng có giá từ 8 triệu - 10 triệu đồng/1kg thì phải mất đến 1400 bông sen. Anh cũng làm nhiều loại trà ướp sen, với nhiều mức giá khác nhau để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
"Khi trà ướp với hoa thì trà được ví như chủ nhà, còn hoa là khách. Vì vậy khi ướp với nhau phải làm cho cả chủ và khách hài hòa, nâng tầm nhau lên", anh Duyệt ví von.
Rất nhiều thời điểm gặp khó khăn, có những lúc không còn một đồng nào trong người, nhưng chưa bao giờ anh Duyệt có ý định muốn dừng lại. Cả năm tất bật với vụ trà ở miền ngược rồi xuống miền xuôi: Mùa xuân anh sẽ lên Hà Giang làm trà Shan Tuyết; mùa hè làm trà ướp sen; mùa thu làm trà hoa, trà ép bánh, trà ống nứa; cuối năm thì tập trung bán hàng, không khí lạnh nên mọi người nhâm nhi uống trà nhiều hơn.
Anh Duyệt say mê bên hũ trà ướp sen.
Bên cạnh nỗ lực của bản thân, gia đình chính là nguồn động lực lớn nhất tiếp sức cho chàng trai trẻ: "Nếu không có sự ủng hộ và động viên đó, có lẽ ngày hôm nay vẫn còn ở một nơi nào đó rất xa", Duyệt nói.
Sau những tháng ngày tìm tòi, nghiên cứu, "ăn, ngủ" cùng trà. Năm 2019, trong cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam được tổ chức ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), anh Duyệt giành được 2 giải Nhất ở nội dung pha trà và thử nếm trà.
"Giải thưởng này là niềm vinh dự và cũng là động lực giúp tôi hiện thực hóa ước mơ đưa trà Việt Nam đến gần với bạn bè quốc tế", Duyệt chia sẻ.