9X quyết tâm thoát nghèo với “đôi bàn tay vàng”

Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Dương Minh Trung - nghệ nhân chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Bình đã tự gây dựng công ty riêng phục vụ nhu cầu thị trường.

 

Nói về hành trình khởi nghiệp đầy gian nan, anh Dương Minh Trung (24 tuổi, Ninh Bình) cho biết mình nghỉ học từ khi học hết lớp 9, sau đó anh theo người anh họ làm nghề đá mỹ nghệ.

Do hoàn cảnh nên con đường học vấn của tôi bị đứt quãng, tôi phải bươn chải mưu sinh rất sớm so với chúng bạn cùng trang lứa. Vì gia đình khó khăn nên tôi chẳng ngại khó, ngại khổ đi làm thuê. Tôi quyết phải học một cái nghề coi như “cần câu cơm” để lo cho bản thân cũng như gia đình sau này.Chính vì thế, khi theo đi học nghề tôi không bao giờ ngồi một chỗ mà chú ý quan sát những người thợ giỏi cách họ cầm búa, cách đẽo đục.Thời gian đầu, tôi như một tờ giấy trắng trong nghề nên cầm cái búa cũng khó, trong lúc đục đẽo liên tục bị trượt vào tay, thậm chí gây chảy máu”, anh Trung kể.

9X quyết tâm thoát nghèo với “đôi bàn tay vàng”

Anh Trung bắt đầu học nghề làm đá mỹ nghệ từ sau khi học xong lớp 9.

Thế nhưng, nếu anh Trung không cố gắng thì không những không thể làm chỗ dựa mà còn có thể trở thành gánh nặng cho người thân trong gia đình. Vì nghĩ đến gia đình, muốn quyết tâm thoát nghèo nên anh Trung vừa làm thuê vừa đi tìm những người thợ giỏi để học hỏi kinh nghiệm.

Nhiều lần anh Trung phải cẩn thận chụp ảnh lại các sản phẩm để nghiên cứu các đường nét mà những thợ giỏi làm ra. Khi tự mình làm ra được sản phẩm nào thì anh cũng đều chụp lại để tiếp tục nghiên cứu và rút kinh nghiệm cho sau này. Sự say mê với nghề khiến anh có đêm ngủ cũng mơ mình đang đục đá.

Sau quãng thời gian dài mấy năm học hỏi, khi có kinh nghiệm rồi anh Trung quyết định mở doanh nghiệp riêng. Lúc đầu, có những mẫu thể hiện không như mong muốn, phải bỏ đi, làm lại nhiều lần, tưởng chừng phải bỏ cuộc.

Tuy nhiên, sự vất vả của nghề càng khiến chàng trai trẻ nung nấu khát khao được tự tay làm ra các sản phẩm điêu khắc đá mang "thương hiệu" quê hương Ninh Bình.

“Mở doanh nghiệp riêng khó khăn nhất là vốn, cũng may tôi nhận được sự ủng hộ của mọi người nên cũng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chính trong quá trình mở xưởng điêu khắc đá, tôi trưởng thành lên rất nhanh về cả tay nghề, tìm kiếm khách hàng cũng như quản lý”, anh Trung chia sẻ.

9X quyết tâm thoát nghèo với “đôi bàn tay vàng”

Những sản phẩm điêu khắc đá tinh xảo của anh Trung.

Năm 2020, tại cuộc thi "Bàn tay vàng" chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Bình, anh Trung đã đạt giải cao nhất khi mới 22 tuổi, trở thành dấu mốc giúp tên tuổi của anh được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng. Anh tiếp tục nắm bắt thị hiếu khách hàng, dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, sáng tạo nên các sản phẩm với kỹ thuật cao.

Dù không chính thức qua trường lớp đào tạo nhưng bằng niềm say mê và khéo léo của mình, anh Trung đã mày mò thể hiện các tác phẩm thủ công mỹ nghệ và được khách hàng ủng hộ. Đó cũng chính là câu trả lời cho sự cố gắng của chàng trai trẻ này.

Được biết, quy trình chế tác đá mỹ nghệ bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn chế tác nhiều hay ít, đơn giản hay phức tạp phụ thuộc vào từng loại sản phẩm và đá nguyên liệu. Về cơ bản, quy trình chế tác được trải qua 3 công đoạn chính: khai thác, sơ chế đá nguyên liệu, chế tác với những kỹ năng chạm trổ đặc biệt.

Trong đó, người thợ sẽ vẽ những hình họa, đường nét theo mẫu lên bề mặt của mẫu sản phẩm. Anh Trung cho biết, công việc này đòi hỏi người thợ phải có trình độ hội họa, khéo tay và lành nghề. Bút vẽ hình lên đá là bút mực, chì màu hoặc bút làm bằng thép có mũi nhọn. Sau khi hoàn thành việc vẽ hình trên bề mặt đá, người thợ bắt tay vào việc đục thô, đục tinh và tạo bề mặt.

9X quyết tâm thoát nghèo với “đôi bàn tay vàng”

Xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của anh Trung hiện nay có gần chục công nhân.

Anh Trung chia sẻ, những người thợ giỏi, giàu kinh nghiệm có thể đoán định độ dày, mỏng khác nhau của các tảng đá căn cứ vào các mạch gân, mạch râu hay các đường thớ đá. Muốn chế tác một sản phẩm có kích cỡ nào thì phải chọn phiến đá có kích cỡ tương ứng hoặc ngược lại, điều này giúp người thợ thuận tiện trong việc chế tác sản phẩm phù hợp.

Tại xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của anh Trung hiện nay có gần chục công nhân. Xưởng có thể sản xuất cả những sản phẩm nghệ thuật ngoại cỡ mà ít nơi làm.

"Điều tôi hạnh phúc nhất là gia đình thoát nghèo, tạo được công việc có thu nhập ổn định cho nhiều người. Đến nay tôi tự tin đưa sản phẩm của mình đi khắp nước và nước ngoài. Điều đáng trân trọng hơn nữa là tôi đã góp phần giữ nghề truyền thống của cha ông để lại", anh Trung trải lòng.Hoàng Thanh

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

9X quyết tâm thoát nghèo với “đôi bàn tay vàng” - Đời Sống