Nhanh chóng, chủ động tiếp cận là những gì đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng vào chính sách của Việt Nam trong việc thu hút các “đại bàng” trong làn sóng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí.
- Phóng viên: Mấy ngày nay, truyền thông trong nước xôn xao thông tin việc Apple cân nhắc tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam do chưa đảm bảo một số điều kiện. Ông nghĩ gì về điều này?Ông Đỗ Văn Sinh: Tôi chưa rõ mức độ kiểm chứng thông tin này ra sao, nhưng nếu thông tin này chính xác, việc Apple ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam sẽ là một điều đáng tiếc.
Làn sóng rút sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khác đang tiếp tục diễn ra. Việc dịch chuyển này đã không phải bây giờ mới xuất hiện, mà có từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đến giờ, Covid-19 như tác nhân khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Với một số thông tin hiện nay, nhiều người tỏ ra bi quan với khả năng của chúng ta nhưng tôi cho rằng, giờ vẫn còn quá sớm để nói chúng ta thành công hay thất bại trong cuộc đua đón sóng đầu tư này.
Thay vì suy nghĩ một cách tiêu cực, bàn luận chuyện người ta có vào đầu tư không thì hãy tập trung bàn giải pháp, chủ động, nhanh tay hơn trong cuộc đua hút vốn này,
- Vậy theo ông giải pháp sẽ là gì, trong bối cảnh hiện nay - khi làn sóng rút khỏi Trung Quốc thì tìm kiếm địa bàn đầu tư mới đang diễn ra mạnh mẽ?
Chúng ta chống dịch tốt, có lợi thế khi môi trường an ninh ổn định lại tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng chúng ta không phải "thỏi nam châm" duy nhất trong cuộc đua hút FDI hiện nay.
Đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, Việt Nam đứng trước nhiều đối thủ "nặng ký" khác, điển hình như Ấn Độ hay một số nước khác tại khu vực Đông Nam Á.
Do vậy, ngoài các vấn đề đã được đề cập rất lâu nay như cải thiện môi trường đầu tư, chính sách phải nhất quán, ổn định… thì với làn sóng đang diễn ra này, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố nhanh, chủ động.
Nhanh nhạy, chủ động tiếp cận. Đừng ngồi chờ họ đến tìm hiểu, thay vào đó chúng ta nên có những động thái tiếp cận từ cấp nhà nước rồi đến doanh nghiệp.
Hãy xúc tiến các cuộc gặp gỡ, trao đổi để biết họ cần gì, họ còn băn khoăn gì không vào Việt Nam. Đừng chỉ sẵn sàng những thứ chúng ta có mà hãy quan tâm, xử lý những gì nhà đầu tư cần.
Nếu cần thiết phải có những ưu đãi đặc biệt. Nhiều nước cũng làm như vậy. Ở Việt Nam, Luật đầu tư sửa đổi, Luật doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ năm 2021 có nhiều chính sách ưu tiên đặc biệt, nếu cần thiết nên có cơ chế vận dụng trước.
Trong Luật đầu tư sửa đổi, có bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư, bổ sung quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Chúng ta đang nhắm tới việc thu hút các tập đoàn lớn có công nghệ cao, họ hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về ưu đãi đặc biệt của chúng ta. Ngoài chính sách thuế, đất đai, nên có nhiều ưu đãi thiết thực hơn…
- Chúng ta kỳ vọng vào việc thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư, nhưng thực tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế trong vấn đề cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Thông tin báo chí đưa Apple cân nhắc ngừng kế hoạch lắp ráp iPhone tại Việt Nam vì điều kiện sống của công nhân không đảm bảo, ông nghĩ gì về điều này?
Điều này cho thấy môi trường đầu tư chúng ta vẫn còn nhiều điểm chưa hấp dẫn, cần cải thiện. Những doanh nghiệp chúng ta hướng tới đó là những tập đoàn hàng đầu, công nghệ cao, chính vì vậy tiêu chuẩn, điều kiện của họ cũng khắt khe hơn.
Thực sự quyết tâm của chúng ta là rất lớn nhưng kết cấu hạ tầng còn thiếu chưa đồng bộ, dẫn đến chi phí khác cho nhà đầu tư còn cao. Chất lượng nguồn nhân lực tay nghề cao còn đang khó khăn. Đa số chưa đáp ứng được, họ vào thì phải mất công đào tạo lại. Đi từng những yếu tố thiết thực đó, chúng ta cũng nên có những động thái, cam kết đảm bảo hơn chất lượng nguồn nhân lực.
Báo chí trong nước rầm rộ đưa tin việc Apple tạm thời vẫn chưa phê duyệt để lắp ráp iPhone tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Thời gian qua cho thấy, khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam còn hạn chế do những điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn cung trong nước, chất lượng lao động. Không còn cách nào khác chúng ta phải giải quyết được những điểm nghẽn này.
- Đó là những điểm nghẽn cần gỡ, vậy theo ông đứng trước những đối thủ nặng ký, Việt Nam có những gì là lợi thế có thể phát huy được?
Việt Nam tham gia nhiều FTA. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 không chỉ thu hút sự quan tâm của các DN Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp tại các nước EU đều kỳ vọng sớm gia tăng hoạt động đầu tư, tăng trao đổi thương mại 2 chiều với Việt Nam.
Nếu so sánh về quy mô thị trường và nguồn lao động, dân số Ấn Độ cao gấp nhiều lần Việt Nam nên thị trường nội địa của Ấn Độ có quy mô rất lớn so với Việt Nam.
Tuy nhiên, bù lại Việt Nam lại có thị trường ASEAN với hàng trăm triệu dân và nhiều hiệp định thương mại tự do nên hàng hóa từ Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường khác với dung lượng hàng trăm triệu người và có nhu cầu chi trả cao.
Lợi thế của chúng ta là có, nhưng quan trọng chúng ta tìm hiểu thị trường thế nào, chủ động tiếp cận ra sao. Đừng ngồi chờ thời cơ đến, nhanh tay đón lõng, đưa ra những chính sách phù hợp, tìm hiểu xem có đáp ứng được các nhà đầu tư không.
Không chỉ hút FDI mới đâu mà việc giữ chân các doanh nghiệp cùng là một vấn đề chúng ta cần quan tâm. Dù Samsung Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận thông tin sẽ chuyển một phần nhà máy sang Ấn Độ nhưng chúng ta cũng đã không khỏi giật mình. Làm sao thu hút, giữ chân và có được lợi ích hài hoà trong mối quan hệ với họ là câu hỏi rất lớn đặt ra cần sớm được trả lời.