Buồn vui nghề ảnh Hà Nội

ANTD.VN -Nghề nào cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy. Ở thời đại công nghệ 4.0 và sự phát triển vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI), thậm chí nhiều nghề còn bị biến mất. Một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) chỉ ra rằng, trong vòng 10 năm tới, 45% nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất và được thay thế hoàn toàn hoặc một phần bởi công nghệ và AI. Âu cũng là quy luật tự nhiên, quy luật của sinh tồn và đào thải. Nghề ảnh là một ví dụ điển hình. Có một thời từng có những “ông vua ảnh”, nhưng thời hoàng kim ấy đã qua, nhắc lại chỉ còn là những hồi ức vui buồn, thành bại.

 

Buồn vui nghề ảnh Hà Nội

Những chiếc máy ảnh chụp phim bây giờ chỉ còn trong hoài niệm

Một thời huy hoàng

Ở Hà Nội, ông chủ Minilab Nguyên Cầu là một trong những người đầu tiên đưa dây chuyền ảnh kỹ thuật số hiện đại vào hoạt động tại cơ sở ở phố Bà Triệu. Tuy có phần sinh sau đẻ muộn, nhưng nói đến nhiếp ảnh gia Nguyên Cầu thì từ dân thợ ảnh dạo đến các nghệ sĩ nhiếp ảnh, dân chơi ảnh Hà Nội đều biết tiếng.

Vào đầu năm 2000, nhờ hãng Fujifilm tài trợ mà những tấm ảnh cỡ 10x15cm làm từ dây chuyền kĩ thuật số của Nguyên Cầu được khách hàng Hà Nội đón nhận với độ phân giải cao, màu sắc rực rỡ. Nếu như ảnh rửa bằng máy thủ công, người chụp phải chờ đến khi ra ảnh mới biết ảnh mình chụp có đẹp hay không thì hệ thống kỹ thuật số cho khách hàng biết trước điều đó mà lựa chọn. Đương nhiên giá cả cũng không rẻ chút nào, khoảng 2.500 đồng/tấm (giá ở thời điểm bấy giờ). Lúc này, các tay chụp dạo, các đại lý và cả khách vãng lai đều đổ xô đến đây để làm ảnh. Cái “đó đón cá” đã được đặt đúng dòng nước chảy.

Trong khi hàng trăm máy Minilab thế hệ cũ nằm rải rác khắp các quận, huyện ngoại thành Hà Nội có nguy cơ đói việc thì cửa hàng ảnh kỹ thuật số Nguyên Cầu khách tấp nập vòng trong vòng ngoài. Thêm một lợi thế nữa là cửa hàng đóng tại vị trí “đắc địa” ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm và đội ngũ thợ lành nghề, thành ra ông chủ Nguyên Cầu chiếm vị trí dẫn đầu trong giới Minilab ảnh là đương nhiên. Nhiều chủ hiệu ảnh thấy thế không chịu khoanh tay.

Vậy là cuộc đổ bộ dây chuyền ảnh kỹ thuật số vào Hà Nội bắt đầu, dù việc đầu tư một dây chuyền như vậy lên tới cả trăm ngàn USD. Có ông chủ hiệu ảnh còn thế chấp cả tài sản, nhà cửa để vay tiền đầu tư. Nhưng hiện tại, những dây chuyền làm ảnh ở thế hệ trước do các hãng Kodak, Fuji, Konica sản xuất coi như đã lạc hậu. Đã có nhiều cỗ máy phải “đắp chiếu” vì bán cũng không có người mua, mặc dù trước đó vài năm, họ phải móc hầu bao để nhập về với giá từ 50-60 nghìn USD.

Đến bây giờ, nhiều chủ hiệu ảnh vẫn chưa kịp thu hồi vốn. Nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, nợ nần chồng chất không có khả năng chi trả. Trên thị trường đã có chuyện nhiều máy mới đưa vào vận hành một thời gian đã xảy ra sự cố. Đơn cử một trung tâm gia công ảnh màu thông qua đại lý ở TP.HCM nhập về một dây chuyền ảnh kỹ thuật số từ Malaysia hồi đầu năm 2001 với giá trên dưới 1,6 tỉ đồng.

Đây là thiết bị làm ảnh kỹ thuật số hiện đại vào bậc nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ, nhưng mới hoạt động được vài năm đã bị sự cố rồi nằm yên một chỗ từ đó đến nay. Đại lý bán máy đã cử kỹ thuật viên ra Hà Nội kiểm tra nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Sau đó, cửa hàng vẫn nhận đơn đặt hàng nhưng phải mang đi nơi khác gia công nhằm giữ chân khách.

Buồn vui nghề ảnh Hà Nội

Với 1 chiếc máy ảnh, ngày trước thợ chụp ảnh dạo có thể nuôi cả một gia đình

Quy luật đào thải

Anh Nguyễn Hoàng cũng là một ông chủ có tên tuổi trong làng ảnh. Mình anh có tới 3 cơ sở Minilab ở Hà Nội với đội ngũ nhân viên trên dưới 20 người. Vừa rồi, tôi có dịp gặp lại ở Cầu Giấy, anh phàn nàn: “Nghề ảnh bão hòa rồi. Tôi phải giải tán hết mấy cửa hàng trên phố rút về đây cố thủ, cầm cự được ngày nào hay ngày ấy”. Hỏi giờ cửa hàng có bao nhiêu thợ, anh cười, tay vỗ vào ngực chua chát: “Chủ đây, tớ cũng đây”. Đó cũng là tình cảnh của giới kinh doanh ảnh trên nhiều địa bàn Hà Nội khi không chạy đua kịp với các thiết bị, dây chuyền, công nghệ ảnh hiện đại.

Cùng với dây chuyền làm ảnh kỹ thuật số, các loại máy ảnh kỹ thuật số cũng ra đời thay thế cho máy ảnh chụp phim. Qua rồi cái thời người chụp phải đi mua phim cuộn rồi lắp vào máy, thợ ảnh phải ngắm nghía, chỉnh ống kính cho kỹ mới bấm dè xẻn vài kiểu rồi mang phim ra hàng chờ rửa. Bây giờ, người ta cứ “bắn” liên thanh hàng chục kiểu, tấm nào đẹp thì chọn, xấu thì xóa. Các hãng nổi tiếng như Nikon, Canon, Sony, Leika… mỗi năm đều đưa ra các thế hệ máy mới y như iPhone với đủ các tính năng liên tục được cải tiến đến mức nhiếp ảnh gia phát phiền vì quá… nhàn thân.

Từ chế độ điều chỉnh ánh sáng, màu ảnh, tăng độ phân giải, lấy nét, cắt cúp tự động, filter xóa nếp nhăn... đều khiến cho máy chụp phim nhanh chóng vào viện bảo tàng. Song hành cũng máy ảnh chuyên nghiệp, các loại máy chụp du lịch cũng liên tục cập nhật các phiên bản mới khiến các thợ chụp dạo ngoài công viên, vườn hoa dần mất việc. Khách du lịch và người trẻ đi chơi thường mang theo chiếc máy ảnh nhỏ gọn, tự chụp, tự mang ra tiệm Minilab rửa ảnh, chủ động và nhanh gọn, khỏi cần thuê người chụp rồi ngồi chờ đợi lấy ảnh.

Buồn vui nghề ảnh Hà Nội

Ảnh bây giờ được lưu trữ trong điện thoại, máy tính, hay đám mây chứ không lưu phim như ngày xưa

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại. Giờ đến máy ảnh hiện đại cũng phải thoái trào, nhường chỗ cho các loại điện thoại thông minh. Các loại điện thoại Samsung, Apple đời mới nhất có khả năng chụp hình không thua gì một chiếc máy ảnh.

Chúng còn tiện đến nỗi chụp xong có luôn app chỉnh màu, sửa mặt, kéo chân, làm thon… khỏi cần phải dùng máy tính và phần mềm photoshop. Người chụp khéo tay và nhiều kinh nghiệm còn có thể biến chúng thành những tấm ảnh nghệ thuật giống như các nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ. Các hãng máy ảnh đâm ra bị thu hẹp thị trường, không cạnh tranh nổi với các “ông lớn” sản xuất điện thoại thông minh, họ đành chủ yếu sản xuất máy ảnh dòng chuyên nghiệp.

Thêm một bi kịch nữa cho các Minilab là bây giờ chụp ảnh xong người ta không in tráng nữa. Cũng phải, bởi mỗi ngày người sở hữu điện thoại đều giơ máy lên bấm đến hàng trăm kiểu, thích gì bấm nấy, sức đâu mà rửa. Ngày xưa rửa ảnh là để lưu trữ, rồi cài vào album chia sẻ cho bạn bè, người thân xem cùng. Giờ người ta lưu trữ trong điện thoại, trên máy tính và các phần mềm, ứng dụng lưu trữ khác, có mà “thiên niên vạn đại”. Muốn chia sẻ thì họ đăng tải lên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo…. Và không mấy ai muốn rửa ảnh nữa.

Ông Bùi Hoàng đã có thâm niên chụp ảnh dạo mấy chục năm ở khu vực hồ Hoàn Kiếm rầu rầu tâm sự: “Từ khi các loại máy ảnh kỹ thuật số đổ bộ vào Việt Nam, rồi đến sự phát triển của các thế hệ điện thoại thông minh, thợ ảnh chúng tôi… “móm nặng”. Thôi thì kẻ buồn lại có người vui. Hồi nào ông thợ ảnh vênh váo như vua, giờ đành ngồi một chỗ ngắm các cháu giơ điện thoại lên bấm cho nhau với gương mặt tươi rói. Chẳng phải khi cách mạng công nghiệp bắt đầu, dân chúng hò reo đón chào đầu máy hơi nước, nhưng bao thợ thuyền thịnh nộ đập phá máy móc vì cho đó là nguồn cơn khiến họ mất việc làm đấy hay sao?

Theo Nguồn www.anninhthudo.vn

Buồn vui nghề ảnh Hà Nội - Đời Sống