Cần bỏ tự hào xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng tình bỏ tư duy sản lượng nhất nhì thế giới mà phải tiếp cận cách khác, với giá trị khác.

TTO - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng tình bỏ tư duy sản lượng nhất nhì thế giới mà phải tiếp cận cách khác, với giá trị khác.

Cần bỏ tự hào xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?

Xuất khẩu gạo qua cảng Mỹ Thới, An Giang - Ảnh: C.QUỐC

Tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL tổ chức ở TP Cần Thơ vào ngày 1-8, TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - nêu quan điểm: Nếu VN vẫn còn tự hào là nước xuất khẩu gạo thứ 2, thứ 3 thế giới thì "chừng đó chúng ta vẫn còn nghèo" vì người dân tiếp tục trồng lúa và vẫn nghèo. Cần thay đổi quan điểm về an ninh lương thực: là khả năng tiếp cận với lương thực, "chứ không phải có lúa, có gạo là có an ninh lương thực".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết lần đầu tiên trong nghị quyết của Đảng đã ghi "3,5 triệu ha sử dụng linh hoạt đất lúa…". Ông Hoan đồng tình bỏ tư duy sản lượng nhất nhì thế giới mà phải tiếp cận cách khác, với giá trị khác. "Chứ chạy theo sản lượng, đánh đổi thế này sẽ tạo ra liên lụy mà chưa lường trước được hết", ông Hoan nói.

Theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022, tác động của đại dịch COVID-19 đối với ĐBSCL cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước. Lần đầu tiên trong 2 thập niên qua, ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu (-0,43% năm 2021), thấp nhất trong lịch sử.

Ở phương diện xã hội cũng đang tồn tại nhiều thách thức như thiếu việc làm ở nông thôn, tình trạng di cư lên các đô thị. Thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng - thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước…

Trong khi đó, hạ tầng đường bộ ĐBSCL chỉ có 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên và thấp hơn rất nhiều so với tỉ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của ĐBSCL cho cả nước.

Tuy nhiên vẫn có một điểm sáng như đầu tư của tư nhân tăng trở lại; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng mạnh, trong năm 2020 chiếm 19,6% và năm 2021 chiếm 33,6% vốn FDI cả nước...

Vì sao gạo Việt đi thi hàng đầu thế giới, lại không dễ vào thị trường Âu - Mỹ?

TTO - Thi thoảng lại có thông tin gạo và một số sản phẩm của Việt Nam bị Liên minh châu Âu (EU) trả về. Dù là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới (sau Ấn Độ, Thái Lan) về sản lượng nhưng gạo Việt có mặt ở các thị trường lớn vô cùng khiêm tốn.

CHÍ QUỐC

Theo Nguồn tuoitre.vn

Cần bỏ tự hào xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới? - Thị Trường