Chị Trần Ngọc Thu Thảo (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) giới thiệu sản phẩm thú nhồi bông handmade với thiếu nhi. Ảnh: L.Na
Hiện sản phẩm thú nhồi bông handmade của chị Thảo không chỉ được giới thiệu, quảng bá đến với người tiêu dùng mà còn lan tỏa đến đối tượng thiếu nhi, giúp các em tiếp cận với môn học thủ công truyền thống.
* Bén duyên với thú nhồi bông handmade
Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm thú nhồi bông handmade của chị Thảo nằm trong khuôn viên Trường mầm non Vườn Cổ Tích (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Cửa hàng trưng bày hàng chục sản phẩm thú nhồi bông do chính tay chị đan với đủ các kích cỡ, màu sắc, bày biện ngay ngắn.
Nói về cơ duyên đến với công việc này, chị Thảo cho biết, từ khi còn rất nhỏ chị đã rất mê làm sản phẩm thủ công, hễ có thời gian rảnh là chị lên mạng xã hội học hỏi, tìm hiểu cách thức đan, móc len, làm gốm thủ công, vẽ và thêu. Từ đó, tay nghề không ngừng được nâng lên, chị sáng tạo nhiều mẫu mã, nhiều chủng loại, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách.
“Công việc chính của tôi là chuyên viên chăm sóc khách hàng tại Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa. Khi có thời gian rảnh và các ngày nghỉ cuối tuần, tôi mới tranh thủ tạo mẫu và hoàn thành sản phẩm để giao cho khách hàng. Làm thú nhồi bông bên cạnh dành nhiều thời gian, đòi hỏi phải có độ cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Việc chọn màu và phối màu cho từng sản phẩm cũng phải phù hợp với từng đối tượng khách hàng” - chị Thảo nói.
* Giúp thiếu nhi tiếp cận với môn học thủ công
Để chia sẻ đam mê, quảng bá sản phẩm thú nhồi bông handmade đến với cộng đồng, chị Thảo đã phối hợp với Trường mầm non Vườn Cổ Tích thực hiện thêm nhiều sản phẩm mới, giới thiệu trên mạng xã hội; đồng thời, tổ chức các workshop cho thiếu nhi và những người yêu thích nghệ thuật.
“Có con trong độ tuổi mầm non nên tôi rất coi trọng việc cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm, làm sản phẩm thủ công truyền thống. Dù các con chỉ làm những sản phẩm đơn giản như: đan dây đeo tay, dây buộc tóc, bông hoa nhỏ…, song hoạt động này thực sự mang đến nhiều lợi ích, tạo cơ hội để các con tiếp cận với môn học thủ công, học hỏi và rèn luyện tính kiên nhẫn. Các con không cần phải có năng khiếu đặc biệt, chỉ cần có niềm yêu thích màu sắc, thích tự tay thực hiện những sản phẩm của riêng mình đều có thể tham gia” - chị Thảo chia sẻ.
Theo chị Thảo, hiện nay có nhiều phụ huynh và người trẻ quan tâm tới sản phẩm thủ công. Những sản phẩm của chị khi giới thiệu qua mạng xã hội nhận được phản hồi tích cực. Từ những cuộc trò chuyện với mọi người, chị có thêm nhiều ý tưởng mới để tạo ra các tác phẩm độc đáo, ấn tượng và phù hợp với xu thế.
Nói về dự định thời gian tới, chị Thảo cho hay, chị vẫn tiếp tục thực hiện sản phẩm thú nhồi bông handmade, tổ chức thêm nhiều workshop, chia sẻ với cộng đồng, nhất là lứa tuổi thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, chị sẽ thực hiện các clip hướng dẫn làm sản phẩm thủ công trực tuyến cho những người có đam mê, năng khiếu trong và ngoài tỉnh.