Trong phiên giao dịch chiều qua (28/12), giá vàng miếng SJC tại một số doanh nghiệp lớn ở Hà Nội được niêm yết tại 60,8 - 61,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 61,6 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h sáng nay 29/12 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco tăng 0,4 USD lên 1.806,6 USD/ounce.
Diễn biến trái chiều trên thị trường vàng trong nước và thế giới (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Trái ngược với không khí ảm đạm của thị trường vàng trong nước, giá vàng thế giới đang hồi phục, tăng nhẹ. Nguyên nhân đến từ việc giá dầu thô kỳ hạn tăng nhanh còn chỉ số đô la Mỹ suy yếu, điều này đã thúc đẩy giới đầu tư đầu cơ vào thị trường kim loại quý.
Hiện tại, các nhà giao dịch đang tiếp tục thể hiện thái độ "chấp nhận rủi ro" khiến thị trường chứng khoán tăng điểm trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Vì nhiều người tin rằng, vaccine và phương pháp điều trị mới có thể chống lại virus.
Ông Fahad Tariq, một nhà phân tích kim loại đến từ ngân hàng Thụy Sĩ cho biết, ông khá lạc quan về triển vọng của giá vàng ngay cả khi Fed lên kế hoạch tăng lãi suất vào năm 2022.
Theo nhà phân tích, giá vàng sẽ cán mốc 1.850 USD/ounce trong năm 2022. Sang năm 2023, nhiều khả năng, giá vàng sẽ giảm xuống 1.600 USD/ounce, còn giá vàng dài hạn dao động quanh 1.400 USD/ounce.
"2 nguyên nhân khiến thị trường vàng rung lắc, biến động chính là áp lực lạm phát gia tăng và việc tăng lãi suất của Fed", ông nói. Theo kế hoạch của Fed, năm 2022, cơ quan này sẽ có 3 đợt tăng lãi suất sau khi hoàn thành chương trình cắt giảm mua trái phiếu.