Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Với tôi, hương hoa cau là mùi hương của tuổi thơ đong đầy kỷ niệm. Hoa cau thoang thoảng dịu ngọt, vì ở trên cao nên hương cau thường thoắt có, thoắt không theo chiều gió. Đôi khi đứng dưới gốc cây, muốn tìm một chút thơm lại không thấy, nhưng đi ra xa hàng trăm mét, một cơn gió thoảng mùi hương lại xuất hiện, thoáng một cái rồi bay đi...
Mùa cau bắt đầu từ khi cau ra hoa, khoảng tháng tư, tháng năm dương lịch, hoa cau “rụng trắng sân nhà”. Chúng tôi lấy những chẽ cau chưa nở của cây thấp nhất buộc vòng quanh cổ chơi trò đám cưới. Nụ hoa như hạt gạo nối đuôi bám vào những chiếc rua dài. Vài hôm sau hoa nở bung, rụng trắng xuống nền sân gạch đỏ, mấy chị em nhẹ nhàng vơ hết đựng vào rá tre làm gạo chơi bán hàng.
Khi tôi lớn hơn học lên cấp ba, thôi không chơi trò phu kéo mo cau nữa thì tụ tập ngồi dựa lưng vào gốc cau, xoay theo chiều của nắng quái, chuyền tay nhau cuốn: “Nhãn đầu mùa” vừa đọc vừa lấm lét sợ bị ai nhìn thấy, vì ngày ấy tiểu thuyết này bị cấm. Hương cau, hương nhãn như quấn quyện nhau, xao xuyến lắm...
“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng”. Cái tuổi ăn không biết no, ngủ không biết đẫy như chị em tôi thì mẹ phải gọi đến năm bảy lần mới dậy được.
Mở mắt đã thấy hương cau ngan ngát tỏa đầy. Ngoài sân, bà ngồi trên chiếc chõng tre thư thả giã trầu. Cả không gian như được ướp bằng hương thơm ngòn ngọt ngan ngát của hoa cau. Nhà tôi gần cánh đồng nên trong xóm ai đi làm sớm đều ghé vào, bóc củ khoai nhâm nhi với bát nước vối vàng ươm thơm phức. Cũng trên chõng tre này, dưới bóng cau già này, bao nhiêu chuyện của làng trên xóm dưới được thông tin. Rằng chiều qua nhà cô Bé nhận được thư chú Dần gửi từ chiến trường về, bà Quỳ ốm nặng đêm nào cũng rên rỉ gọi tên người con trai duy nhất đang chiến đấu trong Nam, con nhà bà Bần xóm Đông sắp cưới... Thôi thì đủ. Hàng cau bên cạnh là nhân chứng cho bao câu chuyện không đầu, không cuối... Hình như cau cũng hiểu chuyện, khi vui lá cau hớn hở rung lên, tán đập vào nhau khanh khách cười, buồn thì ủ rũ, cây trầm ngâm như nghĩ ngợi điều gì... Cau thân thuộc với người quê như vậy đấy.
Mọi thứ của cau đều được dùng vào nhiều việc. Thân cau già xẻ dọc làm rui, mè lợp nhà chắc đẹp, không bị mối ăn. Mẹ xẻ dọc thân cây, bóc hết lớp ruột sẽ thành máng dẫn nước mưa tiện lợi. Bẹ cau, khi hoa nở bung thì rơi xuống, tôi nhặt về để bà gói cơm hay gói xôi. Khi ăn vẫn còn thấy thoang thoảng mùi hoa cau ngọt thơm ý vị...
Tàu cau tước bỏ phần lá, phần xương được phơi khô, bó lại thành chổi cau. Có lẽ sau tiếng võng đưa kẽo kẹt, thì tiếng chổi cau quét rào rào trên sân gạch là âm thanh gợi nhớ quê nhiều nhất.
Ngày xưa, quê không có điện, nhà nào cũng lấy mo cau làm quạt. Nhà có ít cũng mươi chiếc, mỗi người trong nhà một chiếc, còn lại là dành cho khách đến chơi. Mo cau còn được cắt ra làm dép đi rất êm và mát.
Ngày ấy ở quê làm gì có thuốc tây. Tôi thấy chỉ duy nhất loại thuốc đỏ. Bà tôi không dùng, mà cạo lấy phần rêu mốc của cây cau sao lên với bồ hóng. Tôi hậu đậu, băm bèo hay bị đứt tay, bà lấy bôi vào là cầm máu ngay. Những đứa trẻ bị co giật người lớn thường lấy lá cau sắc với lá núc nác cho uống ba ngày là khỏi.
Rễ cau, loại trồi lên mặt đất, nhất là những rễ ở phía mặt trời mọc là thuốc đặc dụng cho đàn ông... thiếu bản lĩnh...
Tháng chín tháng mười là mùa cưới, mùa cau. Nhà vắng đàn ông, mẹ phải thuê người trèo hái. Bà bảo đừng bán trực tiếp cho nhà cưới, sợ năm sau cau không đậu quả. Còn lại, bà để cả buồng lên chõng tre, miệng bỏm bẻm nhai trầu, vừa bổ cau phơi vừa hát: “Thương nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Bà cười, lấy tay quệt nước cốt trầu đỏ thắm trên môi. Còn tôi, đến bây giờ mới hiểu trọn ý của câu ca bà hát.
...
Thời gian dần trôi, cau cũng như người, mỗi năm thêm tuổi. Chỉ có hương hoa cau là trẻ mãi. Tôi vẫn đi về trên đường xưa lối cũ. Nhớ bà, nhớ người cho mượn truyện “Nhãn đầu mùa" năm nao, đã bao mùa cau rồi chưa gặp lại...