Các bác sĩ phát hiện trẻ dương tính với vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.
Ngày 1/11, thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ Khoa Răng - Hàm - Mặt tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi V.T.N.T. (54 tháng tuổi, ở huyện Con Cuông, Nghệ An) mắc bệnh Whitmore.
Qua khai thác bệnh sử, người nhà bé T. cho biết, từ ngày 14/9, T. có biểu hiện sốt cao 39 độ C, sốt theo cơn, kèm sưng đau vùng mang tai hai bên. Gia đình đưa T. đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam.
Sau 7 ngày điều trị tích cực nhưng bệnh vẫn không đỡ và có diễn biến ngày càng nặng. Ngày 24/9, T. được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám và điều trị.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, sưng đau vùng mang tai hai bên đã 10 ngày. Sau khi nhập viện, bệnh nhi T. được chẩn đoán viêm tấy lan tỏa vùng mang tai hai bên, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.
Qua kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Whitmore. Bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore (hay còn gọi là melioidosis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên.
Bệnh nhân được điều trị tích cực theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore, dẫn lưu mủ tại chỗ, nâng cao thể trạng. Sau 1 tháng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Khoa Răng - Hàm - Mặt, trẻ đã khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng sau này.
Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.
Theo các bác sĩ, hiện nay đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn bệnh Whitmore phát triển. Do đó, những người làm việc, tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Đặc biệt, những trường hợp có các vết thương, mụn nhọt,… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm.
Nếu không may bị nhiễm bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh thì phải đến ngay cơ sở y tế để được làm xét nghiệm phát hiện vi khuẩn sớm và dùng kháng sinh phù hợp.
Người nhiễm bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40-60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Cách suy nghĩ về bệnh “ăn thịt người” phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu,…
Hiện nay, Whitmore là căn bệnh chưa có vaccine để tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng tránh và không được chủ quan với căn bệnh này.