Đến độ tuổi quy định công dân sẽ được gọi hoặc tình nguyện tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vậy trước khi gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, người tham gia cần tìm hiểu những thông tin gì?
Nghĩa vụ quân sự là gì?
Tại Khoản 1, Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nghĩa vụ quân sự được hiểu là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự 2025
- Tuổi nghĩa vụ quân sự:
+ Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
+ Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
- Tiêu chuẩn chính trị:
+ Thực hiện theo Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
+ Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
- Tiêu chuẩn sức khỏe:
+ Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định.
+ Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
+ Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.
- Tiêu chuẩn văn hóa:
+ Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
+ Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.
(Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP)
Đến độ tuổi quy định công dân sẽ được gọi hoặc tình nguyện tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ảnh minh họa: TL
Thời điểm đi nghĩa vụ quân sự 2025
Theo Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân một lần vào tháng 2 hoặc tháng 3; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
Theo đó, thời điểm đi nghĩa vụ quân sự 2025 sẽ rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm 2025. Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân lần thứ hai.
Như vậy, công dân cần căn cứ vào lệnh gọi nhập ngũ của địa phương để thực hiện đúng thời gian nhập ngũ.
Thời gian đi nghĩa vụ quân sự 2025
Căn cứ Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ những không quá 06 tháng khi thuộc các trường hợp sau:
- Để đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Theo quy định nêu trên, thời gian đi nghĩa vụ quân sự 2025 là 24 tháng và có thể kéo dài không quá 06 tháng nếu thuộc các trường hợp được quy định nêu trên.
Lưu ý: Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Công dân trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự cần thực hiện trách nhiệm gì?
Trách nhiệm của công dân trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ dân sự là:
- Tuyệt đối phải trung thành với Đảng và Nhà nước cũng như nhân dân lao động. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó.
- Tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, kiên quyết bảo vệ tài sản của đất nước, cũng như sẵn sàng bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
- Gương mẫu thực hiện, chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và những điều lệnh, điều lệ của khi tham gia nghĩa vụ quân sự.
- Luôn cố gắng không ngừng và ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, kỹ thuật nghiệp vụ, rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật, thể lực cũng như không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Thời gian đi nghĩa vụ quân sự 2025 là 24 tháng và có thể kéo dài không quá 06 tháng nếu thuộc các trường hợp được quy định. Ảnh minh họa: TL
Đi nghĩa vụ quân sự làm những gì?Phục vụ tại ngũ
Phục vụ tại ngũ là phải thực hiện các công việc được giao nhiệm vụ trong quân đội, sẽ tùy thuộc vào vị trí và đơn vị được tiếp nhận.
Trong thời bình, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng.
Ngoài ra, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 6 tháng trong những trường hợp dưới đây:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
- Đang thực hiện nhiệm vụ trong việc phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, nếu trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì thời hạn phục vụ tại ngũ của các hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu các hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ được ưu tiên sử dụng vào những vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội theo quy định.
Sau khi hết thời gian phục vụ tại ngũ theo quy định, xét thấy có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của quân đội, nếu hạ sĩ quan, binh sĩ tự nguyện đồng thời quân đội cũng có yêu cầu thì được tuyển chọn sang phục vụ theo chế độ của sĩ quan, quân dân chuyên nghiệp hoặc là công nhân, viên chức quốc phòng theo luật pháp quy định.
Phục vụ trong ngạch dự bị
Trong phục ngạch dự bị thì hạ sĩ quan, binh sĩ được chia thành hạ sĩ quan, binh sĩ hạng một và hạ sĩ quan, binh sĩ hạng hai.
Việc huấn luyện đối với những hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một, cụ thể:
- Với tổng thời gian không quá 12 tháng phải tham gia huấn luyện và diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên cũng như sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên
- Hằng năm, số lượng hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng một sẽ được gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu theo thủ tướng Chính phủ quyết định
- Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ quyết định: phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị quân đội; quy định số lần và thời gian huấn luyện của mỗi lần; quy định giữa các lần huấn luyện, được gọi các hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị tập trung để kiểm tra sẵn sàng động viên và sẵn sàng chiến đấu trong thời gian không quá 07 ngày.
Nếu trường hợp cần thiết thì được quyền giữ hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị ở lại huấn luyện thêm không quá 02 tháng nhưng tổng số thời gian không vượt quá thời gian quy định đã được nêu rõ tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
Còn việc huấn luyện đối với binh sĩ dự bị hạng hai do Chính phủ quy định chi tiết cụ thể trong Nghị định 14/2016/NĐ-CP tại chương IV:
Huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai phải đúng đối tượng, đủ số lượng và thời gian, đúng nội dung, chương trình quy định cho từng đối tượng; phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân.
Ngoài ra, những hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã được biên chế vào đơn vị dự bị động viên trước khi tập trung huấn luyện, diễn tập đều được kiểm tra sức khỏe
Theo L.Vũ (th)