Được biết, những học sinh tham gia đánh bạn đều học tại Trường THCS Quảng Hải, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Kể lại sự việc con mình bị đánh với báo chí, anh S. - bố nạn nhân cho hay: "Gần một tuần trước khi các đoạn clip được phát tán lên mạng xã hội, vợ chồng tôi nghe con gái bảo đi đá bóng bị ngã, trong người mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể và buồn nôn nên đã đưa con đi bệnh viện Đa khoa thành phố Sầm Sơn để điều trị".
Đến tối 25/2, anh S. bất ngờ nhận được thông báo từ người thân về các đoạn clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh con gái mình bị một nhóm bạn đánh đập.
"Lúc đó tôi mới biết con gái mình bị đánh. Khi xem các đoạn clip tôi như rụng rời tay chân, đau đến đứt ruột gan. Các nữ sinh nhốt con tôi tại nhà rồi thay nhau đánh. Gần 40 phút tại căn nhà, có lúc con tôi ngất, các nữ sinh này lại lấy đá chườm vào mặt cho tỉnh, rồi mua sữa cho uống, đợi con tôi tỉnh lại, đánh tiếp", anh S. kể lại.
Hình ảnh nữ sinh bị đánh hội đồng (ảnh cắt từ clip)
Ngày 1/3, ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã có chỉ đạo tổ chức xác minh, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc em T.T.Y.N., học sinh lớp 6B, Trường THCS Quảng Đại bị nhóm bạn đánh hội đồng. Hiện sự việc đang được đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung, xử lý theo quy định của pháp luật.
Sự việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc bạo lực học đường và làm cách nào mới có thể chấm dứt những hành vi dã man của học sinh.
Trao đổi với VietNamNet, cô Lê Thị Loan - nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thừa nhận, trong những năm gần đây số vụ bạo lực học đường ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp.
Đặc biệt số vụ bạo lực của học sinh nữ ngày càng tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em.
Nói về nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, cô Loan cho rằng: “Đa số những vụ việc như vậy là do mâu thuẫn của học sinh đã có từ trước nhưng không giải quyết được khiến các em tìm đến việc đánh nhau như cách giải quyết mâu thuẫn.
Vì thế, trách nhiệm của thầy, cô, nhà trường là không thể buông lỏng trong dạy và quản lý học sinh, nhất là giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Thậm chí phải sử dụng cán bộ lớp như “mật vụ nằm vùng” để nắm bắt tình hình học sinh, khi phát hiện thì xử lý dứt điểm. Nếu làm được thế, chắc chắn sẽ không có những vụ việc đau lòng như trên”.
Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh nhà trường, trách nhiệm lớn hơn là gia đình, bố mẹ phải quan tâm, yêu thương và chia sẻ với các con để các con hiểu rằng nhà là nơi an toàn, con có thể giãi bày mọi chuyện thay vì giấu giếm.
Thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều học sinh bị tổn thương tâm lý nhưng không biết giãi bày cùng ai và một số đã có những hành xử tiêu cực, để lại những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, cũng theo cô Loan, lý do nữa là do sự phát triển tâm sinh lí của lứa tuổi, các em muốn thể hiện mình là người lớn. Trong khi đó, kiến thức, kỹ năng sống, của các em đều còn thiếu rất nhiều. Chính vì thế, bên cạnh dạy kiến thức khoa học, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh cũng không thể xem nhẹ.
Như vậy, để giải quyết tận gốc bạo lực học đường cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, giáo dục trong gia đình và giáo dục nhà trường, xã hội cần gắn chặt với nhau, giáo dục cho học sinh có ý thức, phát triển nhân cách hài hòa, có giá trị sống, biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung.
Trước đó, có 2 đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng tại một bãi đất trống, một đoạn clip dài hơn 11 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh tại nhà riêng.
Nội dung các đoạn clip đều ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhóm bạn liên tục túm tóc, đánh hội đồng, mặc cho nạn nhân quỳ gối, gào khóc, van xin thảm thiết. Điều đáng nói, sự việc diễn ra có sự chứng kiến của nhiều học sinh, nhưng không ai vào can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, đồng thời quay clip.
Quá trình xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định, nhóm học sinh tham gia đánh nữ sinh N. gồm: Lê Thị Ngân Q. (lớp 6A), Lê Thị Kim Ng. (lớp 7A), đều học tại Trường THCS Quảng Hùng; Đoàn Thị Trinh Th., (lớp 6) và Nguyễn Thị Vân A. (lớp 8), đều học tại Trường THCS Quảng Hải, thành phố Sầm Sơn; Cao Thị Yến N. (đã bỏ học).
Hoàng Thanh