Xuất khẩu gạo sang nhiều nước tăng đột biến

Nửa đầu năm 2023, nhiều quốc gia tăng mua gạo dự trữ do lo sợ El Nino. Lượng và giá gạo xuất khẩu tăng vọt, đẩy kim ngạch xuất khẩu gạo lên mức 2,3 tỉ USD.

Xuất khẩu gạo sang nhiều nước tăng đột biến

Xuất khẩu gạo sang nhiều nước tăng đột biến trong nửa đầu năm nay - Ảnh: C.TUỆ

Sáng 6-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì họp về tình hìnhxuất khẩu gạo.

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết 5 năm gần đây, xuất khẩu gạo duy trì khối lượng trên 6 triệu tấn/năm và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD mỗi năm.

6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn và 2,3 tỉ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong nửa đầu năm nay với khối lượng đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 772 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị phần chiếm đến 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng hơn 632.000 tấn (tăng 63%), trị giá 364 triệu USD (tăng 79%), thị phần chiếm 19%.

Indonesia là thị trường bất ngờ vươn lên vị trí số ba về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm như Đài Loan tăng 142%, Senegal tăng 1.147%, Chile tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%...

Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308%...

Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

"Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Thị trường truyền thống duy trì tốt (Philippines, Trung Quốc), thị trường mới nhiều tiềm năng, lợi thế (EU, Hàn Quốc, Nhật Bản)" - ông Hòa nói và cho biết thời gian tới, xuất khẩu có khả năng chậm lại do nguồn cung từ vụ đông xuân đã cạn.

Đồng thời, 6 tháng cuối năm 2023 được đánh giá tương đối tích cực do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết dự kiến nhiều thị trường lớn tiếp tục tăng mua như Indonesia, Philippines, Malaysia, châu Phi. Về giá hiện nay đã cao rồi, dự báo thời gian tới còn cao hơn.

Bà Tâm cho biết hiện nay khó khăn nhất là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, bà Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

"Tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp" - bà Tâm đề nghị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường xuất khẩu gạo, bộ ước tính xuất khẩu gạo cả năm đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về 4 tỉ USD.

"Liên quan đến xuất khẩu gạo sang Trung Quốc gặp vướng mắc lệnh 248, 249, bộ đã tháo gỡ, các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội" - ông Hoan nói. Đồng thời, ông Hoan đề nghị các doanh nghiệp xây dựng ngay một chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn về những thuận lợi và những khó khăn gửi bộ để tháo gỡ.

Xuất khẩu gạo sang nhiều nước tăng đột biến

Nông dân thắng lớn vụ lúa hè thu, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh

Với sự tăng mạnh của giá gạo xuất khẩu, nông dân trồng lúa tại ĐBSCL thắng lớn vụ hè thu năm nay khi được mùa trúng giá, bởi giá lúa hè thu được thương lái mua vào thậm chí cao hơn giá lúa đông xuân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Theo Nguồn tuoitre.vn

Xuất khẩu gạo sang nhiều nước tăng đột biến - Thị Trường