Một góc biệt phủ xây dựng trái phép của ông Nguyễn Tuấn Khanh ở địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Tuấn
Công trình không phép mọc lên ở khu bảo tồn
Tìm hiểu của phóng viên, được biết ông Nguyễn Tuấn Khanh (cư trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai đã có hành vi tự ý chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp. Trên phần đất có tổng diện tích hơn 1.353m2, ông Khanh đã xây dựng các nhà chòi bát giác, nhà gỗ, các công trình phụ khác, làm sân bằng bêtông, xây dựng tường rào…
Tại hiện trường, khuôn viên “biệt phủ” này nằm giữa cánh đồng ruộng lúa và rẫy cà phê của người dân làng Do Quăh, xã Chư Á, cách đường Nguyễn Bá Lại khoảng 50m. Để vào khu vực này, ông Khanh đã thuê người tự đổ bê tông làm đường. Bên trong làm nhà gỗ, nhà bát giác, tiểu cảnh, cây xanh… nhìn ra quang cảnh cánh đồng lúa rộng thoáng.
Trước đó công trình vi phạm này đã bị chính quyền xã Chư Á lập biên bản xử phạt vi phạm, tuy nhiên không rõ vì lý do gì công trình kiên cố đến nay vẫn tồn tại, xe cộ và khách thường xuyên lui tới, tụ tập ăn uống, giải trí tại địa điểm này.
Còn tại Đắk Lắk, bỗng nhiên xuất hiện thông tin cựu Bí thư Tỉnh ủy (giai đoạn 2001-2005) là ông Y Luyện Niê Kđăm (78 tuổi) xây trang trại nuôi bò trái phép ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Cụ thể, khu trang trại chăn nuôi của nguyên Bí thư Đắk Lắk tuy có diện tích không lớn nhưng hầu như không có giấy tờ gì thể hiện cơ quan chức năng cho phép ông này triển khai dự án trong khu bảo tồn.
Ông Y Luyện cho rằng: “Năm 1994 (thời điểm chưa thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô), gia đình tôi làm nhà tạm tại một khu vực bán ngập có nhiều cỏ tranh ở gần bờ sông, ngay trong rừng để chăn nuôi gia súc.
Năm 1999, khi làm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, chính ông tôi đã ký quyết định đề xuất thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô vì muốn bảo vệ “lá phổi” của tỉnh Đắk Lắk. Gia đình tôi sẵn sàng hợp tác với chính quyền để xử lý đúng quy định. Ngày xưa có thời điểm trang trại gần 200 con trâu bò, giờ chỉ còn 20 con. Nếu chính quyền yêu cầu di dời, tôi sẽ hợp tác vui vẻ, không vấn đề gì cả”.
Sẽ xử lý theo đúng luật
Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho hay, đã chỉ đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô làm báo cáo chi tiết, đánh giá kỹ vấn đề để tham mưu đơn vị có hướng xử lý phù hợp theo quy định hiện hành và sẽ sớm có thông tin chi tiết cho cơ quan báo chí.
Một nguồn tin khác của Lao Động xác nhận thêm: Vừa qua, UBND huyện Ea Kar và một số đơn vị có liên quan đã vào tận dự án của ông Y Luyện để tìm hiểu thông tin mà báo chí phản ánh. Thực tế, dự án này đã có trước thời điểm thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nên về mặt chủ quan có thể xem xét. Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh pháp luật thì đúng là công trình này không có phép, giấy tờ thể hiện theo quy định của pháp luật. Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang là đơn vị quản lý khu bảo tồn nên sẽ đưa ra phương án xử lý cuối cùng.
Ở Gia Lai, việc xử lý công trình “biệt phủ” xây trái phép của cơ quan chức năng có phần quyết liệt hơn.
Cụ thể, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Plieku đã có văn bản đề xuất UBND thành phố xử phạt số tiền 22,5 triệu đồng, buộc ông Nguyễn Tuấn Khanh khắc phục hậu quả bằng cách khôi phục lại nguyên hiện trạng ban đầu. Nếu ông Khanh không khắc phục, thành phố sẽ lập đoàn cưỡng chế, tháo dỡ công trình trái phép theo quy định pháp luật.
Trên địa bàn TP.Pleiku đang có rất nhiều trường hợp vi phạm về lĩnh vực xây dựng, chủ yếu là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch khu du lịch...