Chiều 10/2, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổ chức giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cứu trợ thảm họa động đất là hoạt động nhân đạo
Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết: Tính đến 21h ngày 9/2, số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra hôm 6/2 lên tới 19.872 người, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 16.710 người, Syria là 3.162 người. Dự báo số người bị thiệt mạng còn cao hơn, dự kiến là trên 20.000 người.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Mạnh Quân).
"Các chuyên gia về địa chấn ước tính năng lượng giải phóng từ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ tương đương với 32 quả bom hạt nhân thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945. Chúng ta có thể hình dung mức độ thiệt hại nặng nề như thế nào đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.
Hoạt động cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria là một vấn đề nhân đạo, thu hút được sự tham gia đông đảo, khẩn trương của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đến nay đã có trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã đưa lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cũng như viện trợ và cam kết viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ, Syria.
"Chúng ta được biết, cứu trợ thảm họa động đất là hoạt động nhân đạo. Việc tham gia thể hiện trách nhiệm quốc tế, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam. Qua đây góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là dịp để chúng ta củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói và nhấn mạnh, việc tham gia cứu trợ thảm họa này là nhiệm vụ rất khó khăn, vất vả, gian khổ nhưng phải rất khẩn trương.
"Nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang, bởi chúng ta đều hi vọng, trong đống đổ nát như vậy vẫn có những người sống sót đang chờ từng giây, từng phút các lực lượng cứu hộ đến để giải cứu", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương động viên.
Lực lượng tham gia hỗ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ có 76 người, gồm: Đội Quân y, thuộc Tổng cục Hậu cần 30 người; Đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 9 người (gồm huấn luyện viên và chỉ huy) đưa theo 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan 7 người.
Đau xót khi nhìn hình ảnh trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột mồ côi
Bên lề hội nghị nói trên, chia sẻ với phóng viên Dân trí, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa (Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần) cho biết, đây là lần thứ 2 anh đi làm nhiệm vụ quốc tế. Trước đó, từ năm 2019 đến năm 2021, anh từng là chiến sĩ "mũ nồi xanh" thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đi gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa. (Ảnh: Mạnh Quân).
"Đêm qua (đêm 9/2 - pv) rất bất ngờ khi được lãnh đạo Bệnh viện Quân y 354 gọi điện, giao nhiệm vụ trực tiếp cho tôi. Trước tình hình động đất rất khủng khiếp và gây thiệt hại nặng nề ở Thổ Nhĩ Kỳ, bản thân tôi luôn xác định mình là người lính, là đảng viên nên sẽ sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Tổ quốc giao cho", đại úy Lê Trọng Nghĩa nói.
Nhận nhiệm vụ đột xuất, nên cả đêm anh Nghĩa cùng vợ tất bật chuẩn bị đồ đạc là tư trang cá nhân để cho chuyến đi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Biết thời tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ rất khắc nghiệt, nhiệt độ dao động 0 độ C, rất lạnh, anh Nghĩa chuẩn bị nhiều áo bông, miếng dán giữ nhiệt, các thức uống làm ấm cơ thể như gừng, quế…
Không giấu được xúc động, anh kể khi chứng kiến hình ảnh các nạn nhân sauthảm họa động đấtở Thổ Nhĩ Kỳ, anh rất xót xa với hình ảnh những đứa trẻ đột ngột trở thành trẻ mồ côi mất đi cả gia đình và người thân.
"Khi sang đó, tôi sẽ cố gắng hết mình cứu chữa, làm sao cứu chữa nhiều nhất cho người dân nước sở tại", đại úy Nghĩa nói đầy quyết tâm.
Lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 76 người. (Ảnh: Mạnh Quân).
Trung tướng Trần Duy Giang - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - cho biết, hiện tại về quân trang, các mặt bảo đảm về quân nhu… đã được chuẩn bị đủ, đảm bảo cho quân nhân có sức khỏe tốt nhất, làm việc hiệu quả nhất.
"Chúng tôi đảm bảo đầy đủ về quần áo chống rét, chăn, gối, đệm… và bổ sung thêm khi điều kiện thời tiết dưới 0 độ C. Cho nên tới giờ phút này có thể tin tưởng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng khác nói riêng đã sẵn sàng đủ điều kiện bảo đảm cho các nhiệm vụ", Trung tướng Trần Duy Giang nói.