Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất lên đến 73%.
Bộ Tài chính kết luận tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất lên đến 73% - Ảnh: B.MAI
Bộ Tài chính vừa có thông báo về kết luận thanh tra bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là qua ngân hàng) tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Đó là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas ở thời kỳ năm 2021 và các thời kỳ có liên quan.
Trong thông báo kết luận, Bộ Tài chính chỉ ra từng doanh nghiệp có tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất. Cụ thể:
Sun Life có tỉ lệ hủy tại Ngân hàng Tiên Phong (TPB) lên đến 73%
Đối với Sun Life Việt Nam, Bộ Tài chính thông báo năm 2021 công ty này bán bảo hiểm qua Ngân hàng ACB và Tiên Phong (TPB).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt 2.038 tỉ đồng.
Doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 1.907,7 tỉ đồng. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua Ngân hàng ACB đạt 1.248,6 tỉ đồng và Ngân hàng Tiên Phong (TPB) đạt 789,4 tỉ đồng.
Năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua hai ngân hàng này. Trong đó, tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của hợp đồng bán qua TPB là 73%, còn qua ACB là 39%.
Prudential: hủy hợp đồng sau một năm mua là 41%
Theo Bộ Tài chính, năm 2021 Prudential bán bảo hiểm thông qua 8 ngân hàng gồm VIB, MSB, Seabank, Vietbank, Pvcombank…
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của Prudential đạt hơn 6.184 tỉ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 3.700 tỉ đồng.
Số hợp đồng mới mà Prudential phát hành qua các nhà băng này là 94.431.
Tỉ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất đối với các hợp đồng bán qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỉ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
BIDV Metlife: hủy hợp đồng lên đến 39%
Theo Bộ Tài chính, BIDV Metlife bán bảo hiểm qua BIDV. Trong năm 2021, công ty bảo hiểm này có doanh thu phí bảo hiểm bán qua BIDV đạt 1.553 tỉ đồng.
Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới bán qua BIDV đạt 452,6 tỉ đồng với hơn 21.100 hợp đồng. Song tỉ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất lên tới hơn 39%.
MB Ageas: 32% hợp đồng hủy sau một năm
Còn với MB Ageas, trong thông báo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính cho hay doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty tài chính MB Shinsei (hay Công ty tài chính M.Credit).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng đạt 4.466 tỉ đồng.
Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 2.820,9 tỉ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng. Tình hình hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua ngân hàng là 32,4%.
Cách đây mấy ngày, thông tin về kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nói trên, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Bộ Công an đặt nhiều vấn đề vụ gửi tiết kiệm bị 'hô biến' thành bảo hiểm nhân thọ
Lãnh đạo Cục C03 cho hay cơ quan chức năng đang xác minh việc có hay không lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0