Năm 2025 mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt mức cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 21-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XV), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025.
Thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ở trong nước đã phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước biến động bên ngoài, ứng phó với bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, giải quyết các vấn đề phát sinh.
Với phương châm "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, tình hình kinh tế xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Ước cả năm 2024, dự kiến đạt 14/15 chỉ tiêu, đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn, các cân đối lớn được bảo đảm, có thặng dư cao. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. CPI 9 tháng tăng 3,88%. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, bao gồm hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km.
Đổi mới tư duy, cách làm để GDP tăng trưởng cao
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra những bất cập cần lưu ý xử lý quyết liệt. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao…
Năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Đó là: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.
Từ đó đánh giá kỹ tình hình, giữ đà và nhịp để tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.
Với các mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam.
"Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội, bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đưa đất nước ta tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - Thủ tướng bày tỏ.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng GDP mới
Theo đó, các giải pháp trọng tâm là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới.
Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Vì sao nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam?
Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với dự báo trước đó, sau khi GDP quý 3 được công bố đạt 7,4%, cao hơn dự kiến.
NGỌC AN