Ngộ độc botulinum gia tăng, sao mãi chờ thuốc giải 'viện trợ'?

Liên tiếp những vụ ngộ độc botulinum xảy ra tại TP.HCM nhưng không còn thuốc giải dự trữ. Đặc biệt, đã có một bệnh nhân tử vong vì không thể chờ lọ thuốc đắt tiền có giá 8.000 USD, việc thiếu thuốc giải khiến nhiều người dân lo ngại.

 

Ngộ độc botulinum gia tăng, sao mãi chờ thuốc giải 'viện trợ'?

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng trung tâm dự trữ thuốc hiếm để điều trị kịp thời cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Ngộ độc botulinum gia tăng?

Những ngày gần đây, các bệnh viện liên tiếp ghi nhận sáu bệnh nhân ngộ độc botulinumsau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa từ người bán dạo.

Trước đó, tháng 3-2022, cũng xuất hiện 3 chùm ca bệnh với 10 người bị ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ muối chua tại Quảng Nam.

TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đớiBệnh viện Chợ Rẫy(TP.HCM) - cho biết theo số liệu thống kê tại Mỹ, nơi đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm cao hàng đầu thế giới nhưng mỗi năm vẫn ghi nhận 150-300 ca ngộ độc botulinum. Do vậy, ngộ độc botulinum không phải là sự hiếm hoi.

Tại Việt Nam trước đây ít có khả năng để chẩn đoán được cho tới năm 2020, khi Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên chẩn đoán được chùm ca bệnh botulinum do pate chay. Từ đó, các bệnh viện có thể làm xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc botulinum.

"Ngộ độc botulinum không phải là nhiều hơn trước, đó là khả năng chẩn đoán của chúng ta ở giai đoạn trước còn hạn chế. Bây giờ các bác sĩ đã biết tới nhiều hơn.

Thứ hai là các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ hiện đại hơn, do vậy chúng ta chẩn đoán dễ hơn.

Vì vậy số lượng bệnh nhân bị ngộ độc botulinum hằng năm thì có thể không phải đột biến tăng lên mà do khả năng chẩn đoán của ngành y tế Việt Nam phát triển.

Khả năng chẩn đoán của chúng ta tốt hơn từ đó phát hiện nhiều ca hơn chứ còn từ trước tới giờ tôi nghĩ vẫn có tồn tại như vậy", bác sĩ Hùng cho hay.

Không thể mãi chờ "viện trợ"

Ngày 24-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đãviện trợ khẩn cấp6 lọ thuốc BAT cho Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum.

Tính từ ngày nhập viện, ba bệnh nhân ngộ độc phải chờ gần 10 ngày mới có thuốc giải độc viện trợ từ WHO. Trong đó, bệnh nhân 45 tuổi đã tử vong trước khi được sử dụng thuốc. Còn hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy không thể sử dụng do đã qua "thời gian vàng" sử dụng thuốc giải.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy còn hai lọ thuốc BAT và đã chuyển cho Bệnh viện Nhi đồng 2 để kịp thời cứu sống ba bệnh nhi ngộ độc botulinum. Đây cũng là hai lọ thuốc cuối cùng trong 10 lọ thuốc được WHO viện trợ từ năm 2020.

Theo ông Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc dự trữ thuốc hiếm, thuốc giải độc là vấn đề cấp bách cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

"Bệnh viện đã nhiều lần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng trung tâm dự trữ thuốc hiếm để sử dụng trong trường hợp cấp bách.

Thứ nhất, những loại thuốc này rất ít đơn vị sản xuất và nhà phân phối vì vậy các bệnh viện khó có thể tự tìm được nguồn cung ứng. Thứ hai, việc mua dự trữ cần có những chương trình dự phòng quốc gia, có ngân sách để thực hiện. Chúng ta phải chấp nhận việc tiêu hủy thuốc nếu không sử dụng đến.

Các trung tâm dự trữ thuốc hiếm có thể được đặt ở các bệnh viện trung tâm của các vùng kinh tế lớn để kịp thời phân bổ, điều trị cho người bệnh.

Các bệnh viện có thể dựa vào tình hình từng bệnh để dự trù thuốc và Bộ Y tế phải đứng ra để nhập khẩu thuốc, bảo hiểm y tế phải chi trả cho các loại thuốc này", ông Cơ bày tỏ.

Cách đây 1 năm, tháng 5-2022, một bệnh nhi 4 tuổi cũng tử vong sau khi bị rắn độc cắn. Lúc ấy, Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia và huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo.

Lập trung tâm lưu trữ ở TP.HCM và Hà Nội

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM về các vấn đề kinh tế, xã hội sáng 25-5, bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết theo quy định hằng năm các bệnh viện lớn đón bệnh nhân nhiễm độc như rắn cắn, ngộ độc botulinum… đều phải thống kê danh mục các thuốc hiếm cần nhập gửi đến Sở Y tế.

Sở Y tế sẽ duyệt đưa lên Bộ Y tế sau đó sẽ duyệt cấp số đăng ký cho công ty nhập về.

"Các công ty nhập thuốc hiếm chủ yếu là làm công quả, số lượng ít, trị giá hợp đồng lớn, tiền lời không bao nhiêu. Năm nào cũng có chuyện chậm cấp số đăng ký, lúc nào cũng lo sợ đừng để bệnh nhân ngộ độc.

Do đó, cần lấy nhu cầu quốc gia, tính toán lại số lượng, đắt nhưng phải chịu. Nên thương thảo giá, đàm phán để các công ty có thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, có thể mang thuốc về dự trữ tại hai trung tâm lưu trữ TP.HCM và Hà Nội", bà Lan nói.

TIẾN LONG

Theo Nguồn tuoitre.vn

Ngộ độc botulinum gia tăng, sao mãi chờ thuốc giải 'viện trợ'? - Tin Tức