Trong năm 2020, nhóm sedan phổ thông 400-600 triệu đồng là phân khúc có số lượng xe mới được ra mắt đông đảo nhất. Các dòng SUV cỡ nhỏ 600-900 triệu đồng cùng nhóm SUV 7 chỗ tầm 1 tỷ đồng cũng có mức tăng trưởng khả quan và chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian qua.
Với nhiều cái tên hấp dẫn và thường xuyên lọt top 10 xe bán chạy, sedan hạng B, SUV đô thị và xe gầm cao 7 chỗ cỡ trung có thể xem là 3 phân khúc sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường ôtô Việt Nam hồi phục vào năm 2021.
Toyota Vios nâng cấp trước sức ép từ Hyundai Accent và Honda City
Trong tháng 12, lần lượt Hyundai Accent đời 2021 và Honda City thế hệ mới được giới thiệu với khách hàng trong nước. Trước đó, nhóm sedan hạng B còn đón nhận các bản nâng cấp của Mitsubishi Attrage, Kia Soluto, Mazda2 hay Suzuki Ciaz.
Trong đó, Accent được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Toyota Vios. Mẫu xe Hàn Quốc có ngoại hình bắt mắt hơn, danh sách trang bị tốt hơn trong khi vẫn duy trì giá bán cạnh tranh so với 5 phiên bản hiện hành của Toyota Vios.
Toyota Vios mới đã được ra mắt tại Malaysia. Ảnh: Toyota.
Trước sức ép từ Hyundai Accent, nhiều khả năng Toyota Vios facelift sẽ sớm có mặt ở Việt Nam trong năm 2021. Các model Vios mới vừa trình làng ở Malaysia cách đây không lâu và đã có thông tin nhận cọc từ một vài đại lý Toyota. Lần gần nhất Toyota Việt Nam nâng cấp cho Vios là cách đây gần một năm với các bổ sung về tính năng, trang bị.
Hiện tại, Vios là mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam khi trong 11 tháng đã qua doanh số đạt hơn 26.000 chiếc. Về phía Accent, mẫu sedan của Hyundai bán được hơn 17.000 xe. Thị phần tương ứng của Vios và Accent trong phân khúc tính đến tháng 11/2020 lần lượt là 41,6% và 27,82%.
Về phía Honda City 2021, tân binh mới nhất của phân khúc B được thay mới thiết kế nội/ngoại thất, cải thiện không gian và duy trì đặc tính vận hành mang hơi hướm thể thao. Tuy nhiên mức giá đắt nhất phân khúc sẽ khiến City gặp khó khăn khi so kè về mặt doanh số với Toyota Vios hay Hyundai Accent.
Mục tiêu chính của City là cạnh tranh và lấy lại vị trí trong top 3 từ Kia Soluto (369-469 triệu đồng), mẫu xe có lợi thế lớn về giá bán của Thaco. Sau 11 tháng của năm 2020, Kia Soluto đã bán vượt Honda City, thị phần tạm tính của bộ đôi này lần lượt là 10,49% và 8,87%.
Honda City bị Kia Soluto vượt qua trên bảng xếp hạng doanh số. Ảnh: HVN.
Trong số những cái tên còn lại của nhóm sedan hạng B, Mitsubishi Attrage đang có sự thăng hạng vượt bậc. Nhờ kiểu dáng mới, giá bán hợp lý và các chương trình ưu đãi mà doanh số của Attrage dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay. Đây là tiền đề quan trọng để Mitsubishi Việt Nam tự tin với khả năng cạnh tranh của Attrage trong năm 2021,
Mazda2 sedan là dòng xe có nhiều tính năng tiện nghi và an toàn nhất phân khúc. Tuy nhiên giá bán cao, không được hưởng ưu đãi phí trước bạ và nội thất kém rộng rãi là các yếu tố kìm chân mẫu xe cỡ nhỏ của Mazda trong năm qua.
Suzuki Ciaz vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể trong các tháng cuối năm dù được làm mới thiết kế và thêm trang bị. Điểm hạn chế của Ciaz vẫn là tên tuổi ít phổ biến hơn so với các mẫu xe đồng hương và giá bán gần 530 triệu đồng chưa đủ sức hấp dẫn người dùng.
Mazda2 sedan được Thaco giảm giá để cải thiện doanh số.
Nếu Thaco cùng Suzuki Việt Nam điều chỉnh giá bán hợp lý hơn, Mazda2 và Ciaz nhập khẩu sẽ có thêm cơ hội để cải thiện tình hình kinh doanh, nhất là khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước CKD hết hiệu lực.
Cái tên sau cùng được kỳ vọng trở lại trong năm 2021 là Nissan Sunny. Với việc Nissan có nhà phân phối mới, gần như chắc chắn thế hệ Sunny mới sẽ được giới thiệu và trở thành mẫu xe quan trọng của thương hiệu Nhật Bản trong kế hoạch tái thiết ở Việt Nam.
Chờ đợi Hyundai Kona lấy lại vị thế từ Kia Seltos và Toyota Corolla Cross
Sau thời gian dài bị đóng vai phụ trên thị trường ôtô Việt Nam, nhóm SUV đô thị đã có bước nhảy vọt trong năm 2020. Tổng doanh số sau 11 tháng của các mẫu xe gầm cao 5 chỗ cỡ nhỏ đạt hơn 19.000 chiếc, vượt kết quả của năm trước với khoảng 13.800 xe.
Thành tích này có sự đóng góp lớn từ 2 tân binh Kia Seltos và Toyota Corolla Cross. Xuất hiện từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Seltos và Corolla Cross nhanh chóng vượt mặt Hyundai Kona về doanh số. Tính đến tháng 11, 2 đại diện của Kia và Toyota đều bán được hơn 4.400 chiếc và liên tục lọt vào top 10 xe bán chạy nhất tháng.
Tương tự các mẫu xe Kia khác, lợi thế của Seltos nằm ở mức giá hợp lý đi cùng kiểu dáng hiện đại và danh sách trang bị tốt. Về phía Corolla Cross, mẫu xe nhập Thái dù không được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ và có mức giá cao hơn các đối thủ nhưng vẫn tạo được sức hút nhờ thương hiệu phổ biến, thiết kế phù hợp thị hiếu người Việt và các công nghệ an toàn hiện đại.
Trong khi đó, Kona duy trì doanh số đều đặn gần 600 xe mỗi tháng dù gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Mẫu SUV của Hyundai vẫn đang là cái tên bán tốt nhất phân khúc với doanh số tích lũy đạt 6.597 chiếc sau 11 tháng.
Tuy vậy, có thể thấy vị thế của Kona đã không còn vững chắc như 2 năm vừa qua, thời gian mà mẫu xe Hàn Quốc dễ dàng vượt qua Ford EcoSport hay Honda HR-V. Những ưu điểm về giá bán, trang bị và thiết kế của Kona đang lu mờ trước sức hút của Seltos và Corolla Cross, 2 hiện tượng mới nổi của phân khúc SUV đô thị.
Với hơi nóng sau gáy đến từ đối thủ, bản facelift của Hyundai Kona được dự đoán sẽ trình làng trong năm 2021. Ngoài thiết kế và các trang bị mới, mức giá sẽ là yếu tố then chốt để Hyundai Kona duy trì vị thế khi phân khúc đã trở nên đông đúc hơn và đầy tính cạnh tranh như hiện tại.
Ngoài cuộc ganh đua của bộ 3 kể trên, trong năm qua Ford EcoSport và Honda HR-V cũng được giới thiệu bản facelift để cải thiện doanh số. Xen giữa đó là màn chào sân của MG ZS và Peugeot 2008, 2 tân binh ít nhiều thu hút được nhóm nhỏ khách hàng muốn có lựa chọn khác biệt với số đông.
Dù khó lòng tạo được sự đột phá về mặt doanh số, EcoSport, HR-V, 2008 hay ZS vẫn là những cái tên ảnh hưởng đến phần chia trong “miếng bánh” SUV đô thị. Đó là chưa kể đến các mẫu xe Trung Quốc nhập tư nhân được chú ý nhờ danh sách công nghệ phong phú, thiết kế bắt mắt và giá bán thấp như BAIC Beijing X7, Brilliance V7…
Toyota Fortuner tiếp tục so kè Hyundai Santa Fe
Song song với xu hướng nở rộ của xe gầm cao gia đình trong vài năm qua, thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ của các mẫu crossover cũng như SUV 7 chỗ tầm giá 1-1,3 tỷ đồng.
Nổi bật nhất là màn so kè của Toyota Fortuner và Hyundai Santa Fe, tuy nhiên, tình thế đã đảo ngược khi Fortuner là cái tên đóng vai trò bám đuổi thay vì Santa Fe. Không chỉ vượt qua kết quả bán hàng của cả năm 2019 (9.228 xe), doanh số sau 11 tháng Santa Fe (gần 9.500 chiếc) còn bỏ xa Fortuner.
Mẫu SUV Nhật Bản đánh mất chính mình khi chỉ bán được hơn 7.200 chiếc và nhiều tháng liền rơi khỏi top 10 xe bán chạy. Trong bối cảnh đó, Toyota Việt Nam đã nhanh chóng giới thiệu bản nâng cấp của Fortuner sau khi xe được ra mắt ở Thái Lan.
Tín hiệu tích cực nhanh chóng đến với “cựu vương”, tháng 10 và 11 Toyota Fortuner mới có doanh số đạt trên dưới 1.000 chiếc, mức tốt nhất trong các tháng đã qua của năm 2020.
Tuy vậy, Toyota sẽ không thể chủ quan khi Hyundai Santa Fe 2021 đã lộ diện tại Việt Nam và sẵn sàng để tiếp tục thách thức đối thủ Nhật Bản trong thời gian tới. Mẫu xe Hàn Quốc đang được người dùng chờ đợi khi có ngoại hình ấn tượng và hứa hẹn được bổ sung những tính năng an toàn thông minh.
Hyundai SantaFe 2021 có thể được ra mắt tai Việt Nam trong năm sau. Ảnh: H.A.
Song song với Hyundai Santa Fe, dòng SUV chủ lực của Toyota còn chịu sự cạnh tranh gián tiếp từ Honda CR-V 2020, Kia Sorento thế hệ mới hay Mazda CX-8. CR-V và Sorento thu hút người dùng nhờ các nâng cấp về ngoại hình cùng tính năng trang bị, còn CX-8 được Thaco điều chỉnh giá bán hợp lý hơn.
Nhờ đó Honda CR-V có lượng xe tiêu thụ sau 11 tháng hơn 8.100 chiếc, tốt hơn Toyota Fortuner. Kia Sorento mới ghi nhận doanh số tháng 11 hơn 500 xe, gấp 4-5 lần doanh số trung bình mỗi tháng của đời xe cũ. Trong khi đó, doanh số của CX-8 tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng 11/2019 với 4.151 chiếc.
Ngoài các mẫu crossover vừa kể, nhóm xe 7 chỗ năm qua còn đón nhận phiên bản mới của Mitsubishi Pajero Sport và Ford Everest. Bộ đôi SUV cỡ trung này ít nhiều tạo được dấu ấn nhờ thiết kế mới và các bổ sung về mặt tính năng.
Tuy nhiên, xuất xứ nhập khẩu và giá bán khá cao vẫn là rào cản nhất định để Pajero Sport cùng Everest bám đuổi Fortuner. Mẫu xe của Toyota có 5/7 phiên bản được lắp ráp trong nước và hưởng chính sách ưu đãi phí trước bạ. Sang năm 2021, khi nguồn cung từ Thái Lan ổn định hơn sẽ là cơ hội để Mitsubishi và Ford cải thiện thị phần cũng như cạnh tranh với các hãng xe khác.