Phim là hành trình chạy trốn khỏi cù lao xác sống của gia đình Công, một thầy thuốc |
Vì là phim zombie đầu tiên nên zombie là yếu tố đầu tiên được người xem quan tâm. Khâu tạo hình có nhiều cố gắng để đem lại những hình ảnh xác sống ghê rợn nhưng những thây ma trong phim gây hoang mang cho người xem nhiều hơn vì được miêu tả không theo logic nào thường thấy trong các phim về zombie. Zombie trong Cù lao xác sống có thể ngủ đứng, dễ dàng bị tiêu diệt chỉ với một cây ná bắn thun, dễ bị đánh lạc hướng bằng xác một con vịt, bị khống chế tốc độ di chuyển bằng một câu vọng cổ, tự động bỏ đi khi chứng kiến nụ hôn đồng tính...
Các thây ma trong Cù lao xác sống khá hiền! |
Dĩ nhiên nhà làm phim được tạo ra những con zombie với đặc trưng khác biệt nhưng cần xây dựng tình tiết mang tính dẫn dắt để khán giả thấy hợp lý. Kịch bản Cù lao xác sống chưa làm được điều này. Vậy nên cao trào cuối phim lúc bà mẹ hát mấy câu vọng cổ ngợi ca tình mẹ nhằm chặn đứng sự tấn công của bầy xác sống vào con trai, con dâu, cháu nội thay vì xúc động như ý đồ kiếm nước mắt của kịch bản thì lại thấy ngô nghê. Cảnh nhân vật Hoàng bất chợt hôn môi Cảnh để đánh lạc hướng zombie chủ yếu gây cười nhưng khán giả không cười nổi.
Trailer phim Cù lao xác sống:
Hành trình chạy trốn của Công lặp lại theo mô típ gặp zombie - chạy tán loạn nên thất lạc - gặp nhân vật mới lập thành nhóm - gặp zombie - lại chạy và thất lạc - gặp lại những người trong nhóm đã thất lạc - gặp zombie. Cứ vậy lặp lại khiến hệ thống nhân vật lên đến hơn chục người. Mỗi nhân vật đều có câu chuyện riêng được kể sơ lược qua vài đoạn hồi tưởng. Có điều cuối phim chỉ giải quyết câu chuyện của khoảng phân nửa hệ thống nhân vật vì lý do phim còn có phần hai!
Phim có khá nhiều tuyến nhân vật |
Do đó xem hết phim khán giả chưng hửng không rõ mọi người có đến được bến phà để thoát thân khỏi cù lao xác sống hay không, bến phà đó ở đâu, số phận của bé Na thế nào sau khi lọt vào tay Diễm…Việc ôm đồm nhiều tuyến nhân vật nhưng chưa giải quyết đến nơi đến chốn đồng thời nhồi nhét nhiều thông điệp về tình cảm mẹ chồng nàng dâu, tình mẫu tử, tình người trong hoạn nạn cũng khiến mạch phim bị rời rạc, rối rắm.
Vai của diễn viên La Thành và Xuân Nghị đảm nhiệm vai trò tạo tiếng cười cho phim |
Chọn bối cảnh câu chuyện diễn ra ở miền Tây sông nước nên phim cố gắng lồng ghép các khúc hát vọng cổ. Tiếc là cách tạo dựng tình huống để nhân vật cất giọng chưa thuyết phục. Chẳng hạn đoạn ông Tám - cha Công - lạc mất cháu nội là bé Na và được gia đình bà Vàng cưu mang, khán giả không thấy ông đau buồn lo lắng mà chỉ thấy ông tranh thủ “thả thính” bà Vàng bằng màn song ca mùi mẫn với bà một trích đoạn cải lương. Hay đoạn cao trào cuối phim như đã nói ở trên.
Ý tưởng câu chuyện đại dịch diễn ra ở miền Tây khá thú vị |
Phim làm về zombie thường lôi cuốn người xem ở chỗ khai thác tâm lý con người ở lằn ranh sống chết. Nhưng ở Cù lao xác sống, việc xây dựng các zombie di chuyển khá chậm chạp, dễ bị tiêu diệt, độ khát máu yếu cộng thêm cố gắng lồng đặc sản hài khiến các phân đoạn tâm lý trở nên hời hợt, nhân vật thiếu chiều sâu. Điều này làm phung phí thực lực diễn xuất của dàn diễn viên có nghề như Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, nghệ sĩ Thanh Hằng…
Kịch bản phim khá phung phí năng lực diễn xuất của các diễn viên có nghề như Huỳnh Đông |
Không thể phủ nhận các nhà làm phim Việt luôn nỗ lực khai thác những cái mới, đề tài zombie là một ví dụ. Nhưng mong muốn, tâm huyết được làm kẻ tiên phong không đồng nghĩa với việc làm ra một bộ phim với chất lượng chưa ổn và đem ra rạp phục vụ. Trong trường hợp này, người làm phim can đảm đã đành, khán giả mua vé vào xem cũng can đảm không kém. Nên chăng cho cả hai tràng vỗ tay vì sự can đảm này!
Ng.Ngọc