Chứng khoán 9/12: Áp lực chốt lời T+3, chọn lọc để giải ngân nếu điều chỉnh

Phiên 9/12 sẽ là T+3 của đợt giảm 80 điểm từ mốc 1.500 điểm với thanh khoản khá cao, do đó không ngoại trừ khả năng áp lực bán có thể sẽ chiếm ưu thế khi lực cầu hiện tại đang khá yếu.

 

Không ngoại trừ khả năng áp lực bán có thể sẽ chiếm ưu thế

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

VN-Index tiếp tục hồi phục đà tăng trong cả phiên giao dịch, tuy nhiên khi chỉ số tiệm cận vùng 1.460 điểm thì áp lực bán đã mạnh lên và khiến biên độ tăng thu hẹp đáng kể.

Trạng thái phân hóa diễn ra khi độ rộng trên sàn HoSE khá cân bằng với 207 mã tăng/222 mã giảm, trong đó các nhóm ngân hàng, khu công nghiệp, dầu khí là động lực tăng điểm chính của chỉ số. Thanh khoản thị trường thấp hơn nhiều so với trung bình tháng 11, điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang khá thận trọng quan sát và thị trường chưa hình thành xu thế rõ ràng.

Agriseco lưu ý nhà đầu tư phiên 9/12 sẽ là T+3 của phiên giảm 80 điểm từ mốc 1.500 điểm với thanh khoản khá cao, do đó không ngoại trừ khả năng áp lực bán có thể sẽ chiếm ưu thế khi lực cầu hiện tại đang khá yếu.

Chứng khoán 9/12: Áp lực chốt lời T+3, chọn lọc để giải ngân nếu điều chỉnh

VN-Index đang có ngưỡng hỗ trợ 1.420-1.425 điểm (Ảnh chụp màn hình).

Trên đồ thị ngày hình thành mẫu nến Doji, cùng với đó các chỉ báo xung lượng ngắn hạn như Stoch và MoM 5 phiên đã bắt đầu phát đi các tín hiệu trái chiều. Agriseco Research dự báo thị trường sẽ tiếp tục tích lũy tạo nền quanh vùng 1.430 - 1.450 điểm trong 2 phiên cuối tuần trước khi hình thành các xu hướng rõ ràng hơn vào tuần sau.

Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn, có thể giải ngân thêm tại các nhịp điều chỉnh và tập trung hướng về nhóm trụ cột có triển vọng lợi nhuận tốt trong giai đoạn cuối năm như ngân hàng, bất động sản, đầu tư công.

Cân nhắc chốt lời một phần danh mục đã "bắt đáy"

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VN-Index tiếp tục duy trì đà hồi phục và cộng hưởng với diễn biến tích cực trên nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực đang cho thấy tâm lý tương đối lạc quan trong ngắn hạn dù rằng thời điểm hiện tại vẫn đang là "vùng trống" thông tin hỗ trợ.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VCBS thấy rằng đường trung bình động 50 ngày (tương ứng vùng điểm 1.395 - 1.400) tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ "cứng" cho chỉ số.

VCBS kỳ vọng mặt bằng giá mới sẽ dần ổn định trở lại trong một vài tuần tới trước khi các doanh nghiệp niêm yết công bố ước tính kết quả kinh doanh quý IV.

Trong những phiên sắp tới, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục đã "bắt đáy" ở những phiên giảm mạnh trước đó, hoặc tạm thời dừng giải ngân mới mà tiếp tục theo dõi thêm một vài phiên nữa xem liệu chỉ số chung có thể giữ vững trên 1.450 điểm hay không cũng như chờ đợi chỉ số tạo đáy vững vàng hơn.

Có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng nếu thị trường test hỗ trợ 1.420-1.425 điểm

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Thị trường có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang có sự thận trọng nhất định sau nhịp giảm mạnh vừa qua.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã lấy lại được ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm giúp cho xu hướng tăng của thị trường được cải thiện và khả năng để VN-Index hướng đến các ngưỡng cao hơn trong thời gian tới là có thể xảy ra.

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 9/12, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với vùng kháng cự 1.465-1.470 điểm (MA20) và vùng hỗ trợ 1.420-1.425 điểm (đỉnh tháng 7/2021 ) và xa hơn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm.

Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã tham gia bắt đáy trong phiên đầu tuần có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng nếu thị trường test những vùng hỗ trợ kể trên trong phiên tới, mục tiêu giải ngân nên là các cổ phiếu có cơ bản tốt và định giá hấp dẫn.

Điều cần quan sát là nhịp nảy của chỉ số và độ rộng của thị trường

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường tiếp tục hồi phục trong nghi ngờ trên nền thanh khoản thấp, tuy vậy, sau nhịp giảm mạnh của chỉ số VN-Index thì điều cần quan sát là nhịp nảy của chỉ số này và độ rộng của thị trường.

Hôm nay mặc dù các trụ lớn như VIC, VNM, VHM,… liên tục bị ép trong phiên nhưng chỉ số VN-Index vẫn không bị đẩy xuống thấp hơn mức tham chiếu, cả chỉ số VN-Index và VN30 đều test đáy thấp nhất trong phiên thành công sau các nhịp rung lắc.

Hỗ trợ thị trường trong phiên này là sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí,… Như vậy, mặc dù thanh khoản thị trường thấp nhưng thị trường đã có sự đổi trụ thành công và độ rộng thị trường vẫn rất tích cực ở nhóm bluechips và midcap.

Ngày 9/12 sẽ là phiên thử thách đối với thị trường khi lượng hàng bắt đáy ở phiên đầu tuần về tài khoản, MBS cho rằng các nhịp võng trong phiên sẽ tiếp tục là cơ hội để dòng tiền cơ cấu lại danh mục sang nhóm cổ phiếu midcap và VN30.

Nhịp hồi phục của thị trường vẫn có thể sẽ nới rộng nhưng sẽ chậm rãi

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

VN-Index tiếp tục nhịp hồi phục nhưng diễn biến hồi phục chậm lại và có giằng co. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp, thể hiện trạng thái lưỡng lự giữa cung và cầu.

Diễn biến hiện tại chưa có tín hiệu bất thường và phù hợp với trạng thái sau phiên hồi phục nhanh. Với diễn biến này, nhịp hồi phục của thị trường vẫn có thể sẽ nới rộng nhưng sẽ chậm rãi với tổ hợp các phiên tăng giảm ở mức độ nhẹ.

Đồng thời, thị trường cũng sẽ thận trọng khi đến vùng cản 1.460 - 1.480 điểm, do áp lực bán lớn vẫn đang tiềm ẩn ở vùng này. Quan điểm của VDSC về thị trường chưa thay đổi, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng diễn biến hồi phục của thị trường nhưng vẫn cần thận trọng. Tạm thời VDSC vẫn cho rằng nên tận dụng nhịp hồi phục để cơ cấu danh mục hợp lý.

 

Theo dantri.com.vn

Chứng khoán 9/12: Áp lực chốt lời T+3, chọn lọc để giải ngân nếu điều chỉnh - Chứng Khoán